Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Published tháng 5 24, 2017 by ana03 with 0 comment

Chuyện của Hồ Cáp Ngô Duy Lâm



Nội dung những câu chuyện dưới đây đều là chuyện có thật 100% nhưng vì kể lại để hầu chuyện quý bạn đọc cho nên phải có sửa đổi đôi chút để khi đọc đến nó không bị nhàm chán, tuy nhiên thời gian và không gian của câu chuyện không có thay đổi nhưng riêng về con người và tên các nhân vật, lúc thực, lúc hư cũng tùy theo hoàn cảnh của nó cho phù hợp với thực tế hiện tại. Tác giả mong rằng quý bạn sẽ hài lòng khi đọc đến những câu chuyện thuộc về Thế Giới Tâm Linh trong cuốn sách nhỏ bé này.
Vào những năm 1941, 1942, khi mà người Pháp còn đang cai trị Việt Nam, mặc dầu đệ nhị thế chiến đang đến hồi quyết liệt nhưng quân đội Nhật cũng chưa đặt chân được vào Đông Dương cho nên gia đình bố mẹ và anh chị em tôi vẫn còn buôn bán và ở dưới phố Khâm Thiên. Lúc đó tôi đang ở cái tuổi nghịch ngợm nhất của tuổi thơ cho nên chị em chúng tôi mới tổ chức những trò chơi dại dột dưới đây:


Phụ đồng chổi.
Phụ đồng chổi và phụ đồng cóc là mấy trò chơi của những người thuộc thế hệ chúng tôi, phụ đồng cóc thì tôi chưa dám thực hiện vì nhà của bố mẹ tôi không đủ chỗ cho người ngồi đồng “nhảy như cóc nhảy”, riêng phụ đồng chổi thì chị em chúng tôi có thử chơi một lần rồi sau đó chúng tôi không dám làm đến lần thứ hai. Muốn phụ đồng chổi phải làm như sau:


Người ngồi đồng – anh người làm của mẹ tôi, tuổi chừng 17 có tên là Dương – ngồi xổm trên mặt đất, mắt nhắm lại, tay phải cầm một cái chổi thường dùng để quét nhà, tôi cầm ba nén nhang quơ đi quơ lại trước mặt anh Dương, mấy người ngồi chung quanh gồm có chị tôi, cô em họ tên Nhung, và chú em tôi, tất cả là bốn người cùng đọc ‘Thần Trú’ bài phụ đồng như sau:






“Phụ đồng Chổi – Thôi lổi mà lên – Ba bề bốn bên – Đồng lên cho chóng – Nhược bằng cửa đóng – Phá ra mà vào – Cách sông cách ao – Thì vào cho được – Cách roi cách vọt – Thì đánh cho đau – Hàng trầu hàng cau – Là hàng con gái – Hàng bánh hàng trái – Là hàng bà già – Hàng hương hàng hoa – Là hàng cúng Phật – Đội mũ đi tế – Là ông Cẩm Đô – Đánh trông phầt cờ - Là phụ đồng chổi”.


Cứ như thế chị em chúng tôi đọc chừng năm hay sáu lần bài phụ đồng nói trên thì anh Dương bắt đầu mở mắt, hai con mắt của anh trông lờ đờ rồi cứ thế anh cầm cây chổi quét đi quét lại chung quanh gian nhà chúng tôi đang chơi trò chơi phụ đồng chổi; nghe chúng tôi ồn ào dưới nhà ngang, mẹ tôi vội chạy xuống và khi thấy anh Dương đang cầm cái chổi quét qua quét lại, biết chúng tôi tinh nghịch nên mẹ tôi đã cầm nguyên thau nước lạnh rồi tạt vào người anh Dương và thế là “thăng đồng”.

Linh hồn người sống không nhập được vào xác phàm khi đang nằm ngủ trên giường.

Lần tinh nghịch thứ hai của anh em chúng tôi sau phụ đồng chổi là một trò chơi mà chúng tôi nghịch vào lúc bấy giờ chúng tôi không nghĩ rằng thân xác chúng ta lại có hai phần: phần một là xác phàm và phần hai là Linh hồn; tôi xin kể ra đây để quý bạn đọc cùng suy ngẫm về con người hiện tại của chúng ta. Trò chơi tinh nghịch được bắt đầu như sau:

Một ngày nắng ráo của mùa hè năm 1942, buổi trưa hôm đó vào khoảng 2 giờ chiều, tôi và chú em tôi thấy anh Dương đang nằm ngủ say trên lầu (gác) tại nhà của bố mẹ tôi ở phố Khâm Thiên; tôi bèn cùng với chú em tôi lấy sợi dây đay, một loại dây đay, một loại dây được dùng để khâu hay cột hoặc dệt thành những bao đựng gạo lúc bấy giờ, chúng tôi cột chặt hai ngón chân cái của anh Dương lại với nhau rồi cột vào chân giường vì chúng tôi cứ nghĩ rằng khi anh Dương tỉnh dậy và bước xuống giường thì thế nào cũng ngã (té) và chúng tôi sẽ có một trận cười ngả nghiêng, nhưng thưa quý bạn, anh Dương đã ngủ luôn cho đến 4 giờ chiều mà không thấy dậy. Sau mấy tiếng đồng hồ không thấy anh người làm xuống phụ buôn bán nên mẹ tôi mới gọi vọng lên trên gác nơi anh em chúng tôi đang rình xem chừng nào anh người làm tỉnh giấc, mẹ tôi gọi lớn tiếng:

- Thằng Dương đâu rồi? Ngủ gì mà ngủ kỹ vậy? Mấy anh em con gọi nó xuống giúp mẹ cái coi. Chúng tôi sợ quá bèn lay anh Dương để đánh thức anh dậy nhưng chúng tôi không làm sao cho anh ấy thức giấc được nên sau đó chúng tôi vội nói với mẹ tôi:

- Mẹ ơi, anh Dương ngủ trên này nhưng chúng con gọi mãi mà không thấy anh ấy dậy, mẹ lên mà coi đi. Nghe vậy mẹ tôi cầm cái roi mây chạy lên lầu và khi thấy hai ngón chân của anh Dương bị cột chặt lại với nhau, mẹ tôi quay sang hỏi chúng tôi:

- Đứa nào cột chân thằng Dương lại với nhau như thế này? Sau câu nói đó là anh em chúng tôi mỗi đứa ăn mấy cái roi mây ngồi khóc với nhau trong lúc mẹ tôi vừa cởi trói cho anh Dương vừa gọi lớn tiếng: “Hú ba hồn bảy vía thằng Dương ở đâu thì về”.

Nghe tiếng ồn ào ở trên lầu, mấy người bạn của mẹ tôi vội chạy lên nhưng khi nhìn thấy quang cảnh trong căn nhà và anh Dương thì nằm bất động như người chết rồi và chỉ còn thoi thóp thở mà thôi, mấy bà bèn phụ mẹ tôi để gọi hồn vía của anh Dương về để nhập vào xác anh đang nằm trên giường; một bà thì giật tóc mai để anh tỉnh lại, một bà khác lấy một cái tô lớn bắt anh em chúng tôi đái vào để lấy nước đái rồi cậy miệng anh Dương đổ hết tô nước tiểu thì anh ta tỉnh dậy. Sau khi tỉnh lại, anh có kể cho mọi người nghe trong lúc “hồn anh lìa khỏi xác” như sau:

“Khi anh Dương ngủ say, anh mơ thấy anh đang đi lang thang gần đó; bất chợt bị trói hai ngón chân cái lại với nhau thì cũng là lúc anh trở về nhà nhưng khi thấy hai ngón chân bị trói chặt lại Linh hồn anh đã không thể nào nhập được vào thân xác của anh đang nằm ở trên giường. Thế rồi “linh hồn” anh cứ đi lang thang chung quanh nhà, anh được chứng kiến mọi chuyện xảy ra trong nhà cho đến khi anh nghe tiếng mẹ tôi gọi: “Ba hồn bảy vía của anh” đồng thời cởi trói cho anh lúc đó linh hồn anh mới nhập được vào thân xác đang nằm trên giường để mở mắt tỉnh dậy như người bệnh sau một giấc ngủ dài”.

Tôi viết ra đây câu chuyện này để quý bạn đọc suy ngẫm thôi nhé chứ đừng có ai dại dột mà bắt chước anh em chúng tôi để rồi mang họa và tôi không chịu trách nhiệm nếu có ai tinh nghịch như anh em chúng tôi khi chúng tôi còn nhỏ tuổi vào những năm đầu của thập niên 1940.

Những linh hồn và ông thầy phù thủy

Tôi có bà chị gái tuổi Nhâm Thân, chị tôi lúc còn con gái thì cũng hay đi lễ chùa, cúng Phật. Cũng vì những việc này mà chị tôi bày đặt “đồng bóng” vào những ngày lễ tại những đền, miếu chung quanh Hà Nội. Năm 1952, nhân dịp lễ Vu Lan, ngày rằm tháng bảy, chị tôi đã đi về quê nội của chúng tôi ở phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, à quên tôi không thưa với quý anh rằng bà nội tôi qua đời vào năm 1935 do đó ông nội tôi đã tục huyền cho nên chúng tôi mới có hai quê nội đó là huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây và phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh là vậy. Khi đi ngang qua nghĩa trang đầu làng, chị tôi thấy dân làng đang tảo mộ và cúng cô hồn; thay vì đi luôn để về thăm họ hàng thì chị lại đi vào nghĩa trang để thăm mấy ngôi mộ của những người không quen biết và cũng bày đặt “cúng cúng, vái vái” cầu phước có lẽ “cho con xin lấy được người con thương chăng”?

Ngày hôm sau chị tôi trở về lại Hà Nội và thấy trong người không được khỏe như mọi khi, tôi thấy chị lúc nào cũng thờ thẫn như người mất hồn và có lúc nói năng lảm nhảm như bị “ma làm” thì phải. Mẹ tôi cũng thấy vậy nhưng lại nghĩ rằng chị đi về thăm quê, ra đường bị nắng bị gió cho nên chắc là “bị cảm mạo phong sương” nên mẹ tôi đến gặp ông bác của tôi là Y sĩ Nguyễn Xuân Chữ tại bệnh viện Phủ Doãn để xin điều trị. Sau khi khám bệnh chị tôi xong, ông bác của tôi đã cho mẹ tôi biết rằng: “Chị tôi chỉ bị cảm cúm qua loa nên chỉ cần uống thuốc chừng vài ngày thì hết”.

Sau vài ngày uống thuốc, bệnh của chị tôi không thuyên giảm mà lại có chiều hướng gia tăng nên chị lại được đưa đến gặp bác sĩ về tim mạch và thần kinh để khám bệnh; kết quả là tim không sao nhưng “thần kinh thì có giao động” nên được đưa đi chạy điện hàng ngày tại phòng Quang Tuyến của bệnh viện Phủ Doãn. Sau hơn mười lần chạy điện, bệnh tình chị tôi không thuyên giảm mà lúc nào cũng nói năng lảm nhảm nên mẹ tôi lại sợ chị bị yếu tim nên cho người đi mua ‘Châu Sa, Thần Sa’ ở tiệm thuốc Bắc phố Hải Thượng Lãn Ông đem về chưng cách thủy với tim heo cho chị ăn hàng ngày. Một thời gian, sau khi ăn hết cũng cả chục cái tim heo (lợn) nhưng không hết, cuối cùng qua mấy lời cố vấn của những bà bạn, mẹ tôi đã đi coi thầy thì được thầy phán rằng: “Người nữ này bị ma làm, nhà chị phải lập đàn để cầu xin những linh hồn người khuất mặt buông tha thì người nữ này mới hết bệnh được”.

Nhớ lại ngày về quê bên Bắc Ninh, chị tôi có đi cùng với cô em họ nên mẹ tôi mới hỏi xem hai chị em đi đến những đâu mà bị ma làm, cô em họ tôi mới cho biết những gì đã xảy ra vào hôm rằm tháng bảy vừa qua đồng thời tin vào lời của ông thầy bói cho nên mẹ tôi đã vội vàng về quê để rồi cho người ra mấy ngôi mộ tại nghĩa trang của làng để cúng kiến xin tha mạng cho chị, đến khi trở về lại Hà Nội, mẹ tôi cũng không quên đem theo mấy cành dâu, loại dâu cho tằm ăn, để làm roi trị tà ma.

Trong lúc nói năng lảm nhảm thì không một ai kìm hãm được sự phá phách của chị ngoài tôi ra, có nghĩa là khi đang đập phá hay la hét thì chỉ có mỗi một mình tôi mới bắt chị ngồi yên ở chỗ nào thì ngồi yên tại chỗ đó và không còn la hét hay phá phách nữa mà chỉ còn nói lảm nhảm những câu không ra đâu vào đâu và vẽ nhăng vẽ cuội những hình vẽ trên bộ ván (phản) mà không ai hiểu nổi là những hình gì. Thấy vậy mẹ tôi nói với tôi: “Con xin nghỉ học để coi chừng nó cho mẹ, chừng nào mẹ tìm được ông thầy lúc bấy giờ con mới đi học lại”. Nói vậy thì nói, tôi vẫn đi học hàng ngày nhưng đến khi về đến nhà lại phải săn sóc chị cho nên bài vở tôi học “Không ra làm sao” và chú em tôi đã luôn luôn phải giải các phương trình đại số dùm tôi rồi giải nghĩa luôn để tôi nạp bài cho thầy giáo.

Ngày lại qua ngày, cho đến hơn hai tháng sau, mẹ tôi rất mệt mỏi còn tôi thì cứ sau giờ học ở trường về đến nhà là lại phải canh chừng chị cho nên tôi học cũng không khá được, nhất là về đêm sự phá phách của chị cũng có lúc gây ồn ào cả khu phố Mã Mây vậy.

Gần nhà tôi, cách chừng 100 thước nhưng nằm vào một khu phố khác, đường Đinh Công Tráng hiện nay, có đền thờ Đức Trần Hưng Đạo và còn được gọi là đền thờ Đức Thánh Trần. Tại đây việc nhang đèn cúng vái xảy ra hàng ngày nên mẹ tôi nghĩ có lẽ nên đưa chị tôi sang đền thờ để xin Đức Thánh Trần “Trị tà ma đang nhập trong người chị tôi”. Hôm đó là ngày mồng 1 tháng 10 Âm lịch, chị tôi được đưa sang bên đền thờ lần đầu tiên. Sau một hồi cúng vái, có ngồi đồng cũng như yểm bùa, đốt bùa thành tro rồi hòa tan trong nước để chị tôi uống vì theo lời mấy ông thầy, những con ma này sẽ không còn nhập vào chị tôi nữa và hơn một giờ sau mới thăng đồng để đưa chị tôi về nhà, coi như buổi lễ khoán bùa đã chấm dứt.

Nhưng thưa quý bạn, khi về đến nhà hai con mắt của chị long lên sòng sọc coi rất dữ dằn, và thế là chị tôi đập phá lung tung không có ai cản nổi. Vóc dáng con người thì nhỏ bé, cao chỉ có 1.52m, cân nặng chưa tới 40 kí lô, vậy mà hai anh phu vác gạo rất lực lưỡng, anh nào cũng có thể vác trên vai một bao gạo chỉ xanh nặng tới 120kgs, cũng không thể nào kiềm chế được sự phá hoại của chị vào buổi chiều hôm đó; do vậy mẹ tôi đã cấp tốc cho người gọi tôi từ trường về để ngăn cản chị không cho đập phá nữa. Khi tôi về đến nơi thì mới chỉ nhìn thấy tôi bước chân vào nhà, chị đã len lén vào một góc nhà để ngồi im thin thít vì trên tay của tôi đang cầm cành dâu tằm ăn có tẩm nước đái của chính tôi từ trước. Thấy vậy mẹ tôi nói: “Thôi con nghỉ học đi để giữ nó vì mẹ mệt quá rồi”.

Ngày rằm tháng 10 âm lịch năm 1952, chị tôi lại được đưa sang Đền thờ lần thứ hai. Buổi sáng hôm đó là ngày nghỉ nên tôi và chú em tôi đã phụ để đưa chị sang đền thờ Đức Thánh Trần. Khi trở về đâu cũng đến 11 giờ trưa, ngay lúc đó tôi thấy anh họ tôi tên là Nguyễn Ngọc Diệp, con trai của người anh thứ ba của mẹ tôi, từ Nam Định lên, bước vào nhà và chào mẹ tôi: 

“Thưa mẹ con đã về”.

Quá đỗi ngạc nhiên vì mẹ tôi là cô ruột của anh Diệp thì Diệp phải gọi mẹ tôi bằng cô mới đúng mà lúc vào nhà lại gọi là Mẹ và xưng Con nên mẹ tôi nói:

- Diệp, tôi là cô của cháu chứ đâu có phải là mẹ của cháu đâu mà cháu ăn nói như vây?

- Dạ “thưa mẹ” con không phải là Diệp, con là Đỉnh, con của mẹ. Con biết ở nhà có chuyện lộn xộn con tính “về nhiều lần” để giải quyết chuyện của em Phượng, tên chị gái tôi, nhưng con phải chờ mãi cho đến hôm nay con mới xin được phép để về thăm nhà. Con bận lắm mà thời gian thì có hạn thôi vậy mẹ cho đưa em về đây để con giải quyết.

- Ôi trời đất ơi là trời đất ơi, hết “con” bây giờ lại đến “cháu” thế này thì làm sao tôi sống nổi? Mẹ tôi đã vừa khóc vừa kể lể như vậy. - Tới đây tôi xin phép kể qua “gia phả” của gia đình bố mẹ tôi có liên quan đến người anh cả của tôi tên là Ngô Hán Đỉnh, chết khi vừa được mười lăm tuổi.

Gia đình của bố mẹ tôi có được bảy người con, anh Cả của tôi là Ngô Hán Đỉnh, chết năm lên 15 tuổi vì bị bệnh thương hàn, mặc dầu đã được đưa vào bệnh viện Cống Vọng nhưng vì không có thuốc nên đã chết tại bệnh viện mấy ngày sau đó (1929-1944). Người anh thứ hai của tôi là Cố chuẩn tướng Ngô Hán Đồng, chỉ huy trưởng pháo binh quân đoàn I/ vùng I chiến thuật, tử nạn phi cơ trực thăng khi cùng Thiếu tướng Phan Đình Soạn, Tư lệnh phó quân đoàn I của Trung tướng Hoàng Xuân Lãm tại Đà Nẵng đi thăm chiến hạm Destroyer thuộc Đệ thất hạm đội của hải quân Hoa Kỳ đang biểu diễn Hải Pháo tại cửa biển Đà Nẵng vào năm 1972. Người thứ ba là chị gái của tôi, Ngô Minh Phượng, hiện định cư tại Melbourne, rồi đến tôi, sau đó là chú em tôi tên là Ngô Xuân Sơn, giảng viên của trường Đại học sư phạm Hà Nội, hồi hưu năm 2003, đến cô em gái kế tiếp là Ngô Thúy Loan, giáo viên, có chồng là Giáo sư Trần Quốc Vượng, và là nhà khảo cổ của Hà Nội. Cuối cùng là Ngô Bạch Yến, giáo viên, có chồng là Thượng úy quân đội Cộng sản Bắc Việt đã hồi hưu vào mấy năm vừa qua, như vậy tính đến năm 1952 thì anh Cả của tôi cũng đã chết được 8 năm, chuyện quá lạ đấy. Sau đó quay sang tôi, anh nói:

- Lâm sang bên đền thờ Đức Thánh Trần đưa chị Phượng về đây cho anh để anh coi. Nghe đến đây tôi thấy: “Có lý lắm vì khi người chết đã trở về thì mọi việc sẽ êm suôi”. Tôi vừa quay ra đến cửa thì nghe tiếng mẹ tôi nói như hét lên:

- Đi vào, để yên con Phượng ở bên đó cho tôi. 

Tôi quay lại nhìn anh, tôi thấy người thở dài rồi bước vào nhà trong, trả lại cửa hàng cho mẹ tôi buôn bán; tôi và Sơn vội đi theo “ông anh đã chết” vào phía sau và lên ngồi trên bộ phản bằng gỗ Lim trong tư thế chờ đợi. Trong gian phòng này có bàn thờ Thổ Công được treo trên tường và cũng đang được nhang đèn nghi ngút vì là ngày rằm tháng 10, khoảng chừng một lát sau anh tôi mới nói với tôi rằng: 

“Anh chỉ được phép về lo việc nhà có mười phút mà thôi, nay mẹ không tin tưởng vào anh, bây giờ cũng đã đến giờ phải về cõi âm để làm việc thôi anh sẽ chờ vào dịp khác hoặc sẽ nhờ người ta làm dùm để giải quyết tình trạng của em Phượng”.

Nói xong anh tôi đến đứng trước bàn thờ Thổ Công, thắp ba nén nhang rồi khấn như sau:

“Đệ tử là Ngô Hán Đỉnh, sinh năm 1929 và chết năm 1944; Đệ tử được phép về thăm nhà để giải quyết tình trạng của em gái Đệ tử là Ngô Minh Phượng đã “bị những vong hồn nơi cõi âm quấy phá”. Vì thời gian có hạn trong lúc mẹ của Đệ tử không tin tưởng nơi Đệ tử cho nên đã đến giờ phải về cõi Âm; Đệ tử thành kính biết ơn Đức Thổ Thần đã cho phép Đệ tử được bước chân vào nhà này nhưng không thể ở lâu được nữa; Đệ tử kính lạy Đức Thổ Thần để đi về Âm cảnh”.

Khấn xong, ông anh của tôi lạy trước bàn thờ Thổ Công bốn lạy rồi đứng chụm hai chân, và dang hai tay theo hình chữ thập rồi đổ ngửa về phía sau như cây chuối đổ, hai tay vẫn dang ra và không có cách gì gập lại đựơc. Thân xác cứng nhắc, mặt mày tái mét, hai hàm răng nghiến chặt, hai môi mím lại, hai mắt nhắm nghiền trong lúc đó thì Sơn và tôi vội đỡ anh dậy nhưng chúng tôi không thể nào nhắc anh lên được vì “sức nặng ngàn cân” đang đè nặng lên con người của anh. Nghe tiếng ồn ào và tiếng la hét của hai anh em tôi, mẹ tôi và mấy người quen chạy vào coi, cùng lúc đó, chừng không tới một phút, anh Diệp đã lồm cồm ngồi dậy, vừa dụi mắt vừa nhìn mẹ tôi rồi anh nói: “Thưa Cô, con mới ở Nam Định lên”.

Khoảng chừng một tháng sau có người nói với mẹ tôi rằng: “Ở dưới Ngã Tư Sở có một ông thầy phù thủy tuy đã già nhưng thầy trị tà ma hay lắm, bà xuống thử coi xem sao”. Được người mách bảo, mẹ tôi và tôi đã đi xuống Ngã Tư Sở để gặp ông thầy để trình bày câu chuyện cho thầy biết, nghe xong ông ta lại trước bàn thờ Phật, thỉnh chuông, thắp nhang rồi lạy Phật, xong ông bấm mấy đốt ngón tay bên trái, miệng thì lẩm bẩm những gì tôi không biết; chừng vài phút sau ông thầy nói với mẹ tôi: “Nhà chị cho nó xuống đây vào ngày…, để tôi coi nó xem sao”.

Đền thờ của ông thầy pháp, còn gọi là Pháp sư, là một căn phố nhưng cửa ở mặt tiền lúc nào cũng đóng kín, muốn vào nhà phải đi bằng một con hẻm bên hông nhà với bề ngang độ chừng 90 phân tây để ra phía đằng sau nhà tới một cái sân rộng rồi mới vào đến “điện thờ” bằng cửa sau. Như vậy trọn căn nhà được chia làm hai: phần trước là mặt tiền thì đặt bàn thờ được gọi là Điện thờ còn gian trong có một bộ ván bằng gỗ lim để ngã lưng và một bộ tràng kỷ để tiếp khách.

Tại điện thờ, tôi thấy sát tường là một bệ thờ được xây bằng gạch, có một tấm đan đúc bằng bê tông cốt sắt trông giống như lò suởi chụm củi vậy; bệ thờ có kích thước bề cao một thước, bề rộng một thước hai và bề xâu cũng tới tám mươi phân. Trên bệ thờ có đặt một pho tượng Phật ngồi trên tòa sen cao ước chừng hơn một thước mà tôi không biết là tượng Phật Bà Quan Âm hay tượng Đức Phật Di Lặc. Phía dưới bệ thờ Phật có một khoang trống được “trang trí” như quang cảnh dưới Địa ngục với những quỷ sứ Đầu Trâu, Mặt Ngựa, tay cầm đinh ba và có “một ông quỷ” đang nắm một tội nhân để bỏ vào vạc dầu, ngoài ra còn có những cảnh đang tra tấn mà tội nhân bị nắm cổ đến le lưỡi, sơn đỏ chót trông cũng rùng rợn lắm.

Bên cạnh bàn thờ Phật, và cảnh địa ngục về phía bên phải có để một giá bằng gỗ có cắm những: Đinh Ba, Thanh Long Đao, Bát Xà Mâu… tổng công 8 loại vũ khí trong truyện Tầu ngày xưa, cái giá gỗ có vũ khí này còn được gọi la “Bát Bửu”. Những vũ khí này dài đến hai thước và nó rất nặng vì là vũ khí của các tướng lãnh người Tầu như Quan Vân Trường, Trương Phi trong truyện Tam Quốc Chí. Còn bên trái bệ thờ thì cũng có một cái giá gỗ có cắm những lá cờ bằng vải đỏ lớn cỡ 80x80cm và cán cờ làm bằng cây Mây có đường kính tới hơn hai phân và dài đến hai thước. Ngoài ra trên vách tường còn treo những bức hình tượng trưng cho Ông Thiện và Ông Ác mà mỗi khi ta đến thăm các đền đài hay chùa chiền miếu mạo ta thường thấy những pho tượng Ông Thiện và Ông Ác đứng trấn ở ngoài mặt tiền ở những nơi này.

Đúng ngày đã định, mẹ tôi thuê một chiếc xe du lịch, hồi đó nếu ai ở Hà Nội thì sẽ thấy loại xe Vedette 8 máy, là xe thông dụng nhất trong việc cho thuê vì rộng rãi và được các cô gái Hà Nội thường dùng làm xe rước dâu trong những dịp cưới hỏi. Khi xe đến, mẹ tôi, tôi và cô bạn gái tên là Phụng cùng hai anh công nhân làm nghề khuân vác đã đưa chị tôi ra xe để xuống nhà ông thầy phù thủy. Để chị tôi không phá phách lúc ra xe, mẹ tôi đã nói: “Để mẹ đưa con đến bệnh viện Phủ Doãn cho bác sĩ chạy điện nhé”. Nhờ câu nói dối này cho nên chị tôi đã lặng lẽ ra xe và xe chạy dọc đường không có gì trục trặc.

Khi xe ngừng trước cửa nhà ông thầy là bắt đầu có chuyện. Chị tôi sau khi nhìn dáo dác hai bên đường như tìm kiếm cái gì nhưng khi nhìn thấy nhà ông thầy thì: dang hai tay, dang hai chân, mắt nhắm nghiền, môi mím chặt, nghiến răng và mặt mày xanh lét trông rất ghê sợ. Hai anh công nhân vác gạo ngồi hai bên chị từ lúc xe chạy đã thật là vất vả mới đưa đựoc chị tôi ra khỏi xe. Khi vào đến lối đi để ra sân đằng sau nhà thì ôi thôi, thật không thể nào tin vào con mắt của chính mình nữa, bốn người gồm hai anh công nhân, anh tài xế và tôi, lúc này tôi cũng đã 19 tuổi rồi còn gì, đã vất vả xoay nghiêng chị tôi như ta mang “Một hình nhân bằng thép” vì nó nặng có tới hơn 100kgs để vào nhà ông thầy pháp. Vào đến nơi tôi thấy ông thầy đang ngồi trên ghế tràng kỷ cạnh bàn nước, miệng nhai trầu bỏm bẻm, khi nhìn thấy chúng tôi đã đưa được chị vào đến sân, thầy nói với mẹ tôi: “Nhà chị đưa con nhỏ đó vào đây và để nó nằm trên phản cho tôi”. Chúng tôi làm theo lời thầy dạy rồi ra ngoài nghỉ mệt vì mất cũng đến gần mười phút mới đưa được người bệnh vào nhà với khoảng cách chỉ có hơn hai mươi thước mà thôi. 

Nằm trên bộ ván, con gái gì mà nằm dang chân dang tay hinh chữ đại (viết theo chữ Nho) trông mất nết quá, trong lúc mắt nhắm lại, răng cắn chặt, coi bộ giận dữ lắm. Ông thầy nhìn thấy vậy bèn cười rồi nói với mẹ tôi: 

“Nhà chị cứ yên tâm, để nó đấy cho tôi, đã vào đến đây thì thép cũng phải chảy thành nước”; nói xong ông gọi vọng xuống nhà dưới ở phía cuối sân. (– Ông Thầy không có vợ con mà chỉ có ba anh con nuôi mà thôi và được gọi thứ tự ngoài Bắc như: Anh Cả, Anh Hai và Anh Ba -).

- Thằng Cả đâu, cho nó con ‘Bạch Xà’ cho tao coi.

- Dạ thưa Thầy có con đây. 

Trả lời xong anh con Cả của ông Thầy xuất hiện nơi cửa sau, đó là một người trên dưới 50 tuổi; trên tay ông Cả có một cái khay trên có phủ một vuông vải điều (vải đỏ) có kích thước cỡ 50x50cm, trên vuông vải đỏ có để một cái đĩa có hình Thất Hiền, Bát Tiên, trên đĩa là một mảnh giấy quyến, loại giấy mà các ông thầy phù thủy thường dùng để vẽ bùa cho con nít đeo nếu khó nuôi. Mảnh giấy cỡ 5x30cm, bên cạnh tờ giấy quyến tôi còn thấy có ba cây nhang nhưng chưa đốt, Ông thầy Cả mang khay tới trước bàn thờ Phật, để lên bàn thờ sau đó đốt ba cây nhang để cúng Phật. Cúng xong ông mới đốt ba cây nhang trên khay rồi mang khay đến bộ ván gỗ nơi có chị tôi nằm, đặt khay xuống một bên rồi ông ta ngồi lên bộ ván, chân xếp bằng, bàn tay phải cầm ba cây nhang để chuẩn bị “thư bùa” vào tờ giấy quyến.

Khi thư bùa, miệng ông lâm râm đọc “thần trú” trong lúc đó ngón tay cái của bàn tay trái thì được dùng để bấm vào những đốt ngón tay của những cung Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu... của thập nhị chi (12 con giáp) để “bắt quyết”. Mỗi lần ngón cái bấm vào một vị trí nào “quan trọng” của thập nhị chi thì bàn tay trái được dơ cao lên rồi đánh “cách không” (đánh dứ) trên tờ giấy quyến trong lúc đó tay phải với ba cây nhang cũng được viết những chữ nho (Hán Tự) “cách không” (không đụng đến) trên tờ giấy quyến và miệng đọc thần trú những câu mà tôi không hiểu nghĩa là gì. Sau khi đọc hết bài “thần trú” thì “Quyết” cũng vừa bắt xong, ông thầy Cả bèn đặt ba cây nhang xuống khay, cầm tờ giấy quyến đã “thư bùa” lên rồi se nó lại chỉ nhỏ và dài như chiếc đũa ăn cơm. Se xong thì chập đôi lại rồi vặn tiếp cho nó không bung ra và để một đầu, chỗ gập đôi của đạo bùa, vào lỗ tai bên phải của chị tôi. 

Sau khi đặt xong con “Bạch Xà” vào lỗ tai trông rất là nhẹ nhàng, tôi không thấy ảnh hưởng gì đến người bệnh và cũng không có triệu chứng gì là đau đớn cả và rồi thì ông thầy Cả tay phải cầm cái quạt giấy, phe phẩy như ta quạt cho mát; miệng ông đọc thần trú, tay trái lại “bắt quyết” ở những cung trong thập nhị chi trên những lóng tay. Tôi nhìn chị Phượng với đạo bùa và thấy con Bạch Xà đang từ từ đi sâu vào lỗ tai của chị. Khuôn mặt chị Phượng đang tái mét đã bắt đầu ửng đỏ nhưng vẫn nhắm mắt và nghiến răng để “chịu đựng con Bạch Xà”. Một lúc sau tôi thấy toàn thân chị đã bắt đầu run rẩy nên khi nhìn hình ảnh đó lòng tôi cũng thấy nao nao như thế nào ấy mà không thể nói ra được; thế rồi ông thầy phù thủy lại gọi xuống nhà dưới: 

- Thằng Hai đâu, lên cho nó con bạch xà nữa cho tao coi.

- Dạ thưa thầy con lên ngay. 

Thế là lại cũng những hành động như ông thầy Cả đã làm, Ông thầy Hai sau khi đặt con Bạch Xà thứ hai vào lỗ tai trái của chị tôi rồi cũng cầm quạt phe phẩy, bắt quyết và niệm “thần trú”. Chừng chưa tới một phút sau tôi thấy toàn thân chị Phượng run lên bần bật như có ai “đang tra khảo” dữ dội lắm. Bất chợt chị đưa hai tay lên nắm lấy hai con Bạch Xà rồi kéo chúng ra khỏi lỗ tai và vứt chúng lên bộ ván gỗ sau đó chị lồm cồm ngồi dậy, bò vào một góc nhà, hai con mắt ngó láo liên như muốn tìm đường chạy trốn; khi ánh mắt đụng đến ông thầy phù thủy chị vội vàng cúi xuống trong sợ hãi. 

Thưa quý bạn, một trong hai con Bạch Xà, con thứ nhất ở lỗ tai bên phải “máu tươi” của chị Phượng đã nhuộm đỏ chừng hơn một phân tây ngay phần đầu của con Bạch Xà. Nhìn thấy máu của con gái mình mẹ tôi đã phát khóc nhưng được ông thầy phù thuỷ trấn an: 
“Không có sao đâu, nhà chị đừng sợ, sau khi ra khỏi đây thì kể như con cháu không còn cảm thấy đau đớn nữa đâu”; nói xong ông quay sang tôi rồi hỏi:

- Thằng nhỏ này là thế nào với con nhỏ kia?

- Dạ thưa Cụ, nó là em ruột của con gái tôi.

- A trông thằng nhỏ cũng “được việc đấy”. Nhỏ ra cúng Phật rồi “ngồi đồng” nghe chưa?

Mẹ tôi nghe vậy liền dẫn tôi ra điện thờ, ông thầy Cả đã thắp nhang và đưa cho tôi để cúng Phật. Sau khi cúng Phật xong, ông thầy Cả bắt tôi ngồi xếp bằng trên một bục gỗ chỉ cao hơn mặt đất có chừng mười phân mà thôi. Hai tay tôi được lật ngửa và để trên hai đầu gối; sau đó ông thầy Cả lấy một chiếc khăn đỏ (vải điều) có kích thước vuông vắn chừng một thước vuông, chùm lên đầu tôi và bắt tôi nhắm mắt lại để ông “phụ đồng”. Bản tính nghịch ngợm từ lúc còn bé nên trước khi nhắm hai con mắt lại, tôi cũng ngẩng mặt lên để nhìn khuôn mặt Đức Phật xem “nó ra làm sao” và tôi thấy cũng “bình thường thôi” rồi tôi mới làm theo lời ông thầy Cả. Khi những câu “Thần Trú” được đọc trong lúc tôi nhắm mắt để ngồi đồng thì áng chừng một phút sau tôi thấy người tôi, phần trên từ bụng trở lên đã bắt đầu quay vòng tròn như ta lắc vòng vậy. Trong bụng tôi lúc bấy giờ rất tỉnh táo nên sau khi quay vài vòng tôi lại tự ý rùng mình thì thấy hết quay như trước. Ít lâu sau đó thân mình tôi lại bắt đầu quay mòng mòng như lần trước nhưng quay nhanh hơn nhiều với một “góc độ” quay của cơ thể đã ở 60 độ so với mặt phẳng của sạp gỗ. Trong bụng cũng vẫn tỉnh táo cho nên tôi lại rùng mình thật mạnh lần thứ hai, tôi thấy mất hiệu lực của những câu thần trú, tôi chợt nghe tiếng mẹ tôi nói:

- Con để yên cho thầy phụ đồng chứ, con đừng làm vậy mất “linh thiêng” nghe.

- Ôi cái nhà chị này khéo lo, nó đang “thử tài” thầy đấy, cứ để nó tự do thử pháp thuật của thầy rồi sẽ biết.


Sau câu nói của ông thầy, những câu thần trú cũng được đọc càng lúc càng nhanh hơn và thế là đến lần thứ ba tôi đành chịu thua ông thầy Cả sau khi đã rùng mình nhiều lần nhưng không phá được pháp thuật của thầy. Ông thầy Cả đã “phạt” tôi bằng cách bắt tôi quay cho đến khi cái trán của tôi đụng sạp gỗ phía trước, còn cái gáy (ót) thì chạm mặt sạp phía sau, có nghĩa là thân mình tôi khi quay lúc sấp lúc ngữa đã gần như song song với mặt đất; cứ như thế tôi quay cho đến khi hết bài thần trú tôi mới được ngồi thẳng người như trước. Sau khi lột bỏ vuông vải điều tôi ngẩng mặt nhìn lên bàn thờ Phật tôi thấy “Khuôn mặt Đức Phật như có hào quang”, quá sợ hãi, tôi bèn cúi xuống thì mắt tôi lại nhìn thấy những hình ảnh tra tấn nơi “Địa Ngục”, thế là tôi bèn ngó mênh ngó mông ở những chỗ đâu đâu chứ không còn dám nhìn thẳng về phía trước nữa. Ông thầy phù thủy lúc này đã đứng dậy và đi đến chỗ tôi đồng thời kéo theo một cái ghế đẩu cao chừng 20cm để ngồi. Phản ứng tự nhiên, không phải do tôi muốn, tôi đã thò tay cầm lấy cái ghế và tính kéo ra chỗ khác để cho ông thầy “té cái chơi”. Nhưng “thiên bất dung gian”, trong lúc tôi có ý đồ đen tối thì cây cờ cán bằng mây đã được ông thầy rút ra khỏi giá cờ từ lúc nào tôi đâu có thấy và thế là một cái vụt bằng roi mây được giáng thẳng cánh từ vai trái của tôi xuống đến mông đít bên phải làm cho ruột gan tôi đau như có ai cắt thịt, cái đau như có muôn vàn mũi kim nhọn đang chích vào cơ thể của tôi vậy. Đau quá tôi vội rút tay lại trong lúc ông thầy ngồi xuống, đồng thời hỏi tôi và bắt tôi phải khai “gia phả” để thầy xét. Bụng mình thì vẫn tỉnh, nhưng hành động thì lý trí không thể kiểm soát được, nên tôi đã nói với ông thầy phù thủy:

- Ông không có quyền hỏi và bắt tôi phải khai gia phả với ông.

- A thằng này láo, mày đã đến trước bàn thờ Phật, mày phải khai những gì thầy muốn biết. Thằng Cả đâu, cho nó con Bạch Xà.

Ngồi nhìn ông thầy Cả đọc thần trú để làm con Bạch Xà xong và được nhét nó vào lỗ tai trái của tôi rồi phe phẩy cái quạt giấy trong lúc miệng lâm râm đọc thần trú, tôi thấy như có ai đó lấy cái búa và cái đục đóng vào đầu tôi làm đầu tôi nhức nhối vô cùng tưởng chừng như cái đầu muốn vỡ làm đôi vậy. Tôi không thể nào chịu nổi lâu được cho nên không đầy một phút sau tôi đã lấy tay trái để rút con Bạch Xà và vứt nó xuống sàn nhà, kể từ lúc đó tôi mới bắt đầu trả lời những gì ông thầy hỏi. Tôi còn nhớ những lời khai như sau:

“Gia đình tôi”, người làng Du Lâm, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, toàn gia đình bảy người gồm có hai vợ chồng, một cô em gái và bốn đứa con đã bị chết khi phát xít Nhật ném bom vào sân bay Gia Lâm (bên kia bờ đê của sông Hồng thuộc thành phố Hà Nội) và những vùng phụ cận. Vì chết hết cả nhà nên không có ai ma chay cúng kiếng rồi kể từ ngày đó gia đình tôi “đã trở thành ma đói” đi lang thang để xin ăn. Tháng 7 Âm lịch vừa qua, khi chúng tôi thấy cô này có lòng nhân hậu nên đi theo cô này chỉ để xin ăn mà thôi chứ không có ý định gì khác. – lúc này chị Phương vẫn còn ngồi trên bộ phản gỗ ở gian trong, chị nhìn ra điện thờ và lặng thinh không nói một câu nào -. Sau khi nghe những lời khai báo tên tuổi của từng người một trong gia đình xong, ông thầy phù thủy mới yêu cầu “tôi”, tức gia đình những người quá cố, phải buông tha chị Phượng để rồi sẽ được ông thầy giúp đỡ cho đi đầu thai kiếp khác. “Tôi” nằng nặc không chịu, mặc dầu đã ăn thêm một roi mây từ vai phải xuống đến mông đít trái, hai cái đau đớn vô cùng nhưng củng nhất định không chịu nên thầy nổi nóng và gọi to xuống nhà dưới:
“Thằng Hai đâu lên chặt tay nó cho tao coi”.

Nghe đến chặt tay, trong lúc bụng tôi thì vẫn tỉnh nên thấy ghê quá. Dao thớt đươc đem ra từ trong Hỏa ngục và được để ở bên cạnh tôi, rồi ông thầy Hai một tay cầm bàn tay trái của tôi đặt lên cái thớt, trong lúc tay kia thì cầm con dao thật lớn, loại dao mổ trâu, để chuẩn bị chặt bàn tay trái của tôi. Trong bụng của tôi thì rất tỉnh táo tôi nhớ tất cả những gì tôi đã nói và làm nhưng khi thấy thầy Hai sửa soạn ‘phập bàn tay’ thì không biết bởi nguyên nhân nào tôi đã tự động rút tay lại và chấp nhận điều kiện của ông thầy.

Điều kiện thì cũng dễ thôi, đó là buông tha chị tôi, không được lẽo đẽo đòi ăn và không được phá phách kể từ lúc này. Nếu chấp nhận thì ông thầy sẽ giúp cho toàn gia đình được đi đầu thai kiếp khác, đồng thời gia đình của cô gái này sẽ mua bảy hình nhân để “thế mạng”, mua nhà cửa, xe cộ quần áo và vàng bạc để gia đình người chết có “nơi ăn chốn ở” và no đủ trước khi đi đầu thai kiếp khác; sau khi thỏa thuận xong, ông thầy Cả đã làm một ít “thủ tục” mà tôi không biết như thế nào rồi sau đó tôi được “thăng đồng” và tỉnh lại. Phụng, cô bạn gái đi theo tôi đã lại dở áo lên để coi xem vết roi đánh ở trên lưng nó ra làm sao rồi lấy dầu nóng thoa cho tôi cho nó tan máu bầm do hai vết roi đánh chéo vào nhau như hình chữ X. Khi chưa thăng đồng tôi cảm thấy đau đớn triền miên không lúc nào ngớt, nhưng sau khi thăng đồng tôi không còn thấy đau đớn mà chỉ còn lại hai vết roi mây mà thôi đúng như lời ông thầy đã nói. Phía gian trong của căn nhà, trên bộ phản, khi tôi thăng đồng thì chị Phượng cũng bừng tỉnh như sau một giấc ngủ dài, và vì quá mệt mỏi nên lại nằm xuống và ngủ một giấc chừng 15 phút sau mới thực sự tỉnh hẳn. Hai con mắt của chị tôi đã trở lại bình thường nhưng có nhiều mệt mỏi vì thiếu ngủ và bệnh hoạn. 

Trước khi ra xe về, ông Thầy Cả còn làm một “đạo bùa” cho chị tôi đeo, một đạo bùa khác được đưa cho mẹ tôi để đem về nhà, chôn ngay tại ngưỡng cửa ra vào của căn nhà cùng với “đầu một con chó mực” để gia đình người chết không còn bước chân trở lại căn nhà của mẹ tôi để quấy phá nữa đồng thời ông thầy phù thủy còn nói với mẹ tôi rằng: “Đúng ngày giờ đã định, chị nhớ cho thằng em nó xuống theo để nó ngồi đồng nhé”. 

Kể từ lúc ra khỏi nhà ông thầy, chị tôi đã đi lại bình thường, ăn uống được và cũng không còn phá phách hay nói năng lảm nhảm nữa nhưng người thì cứ như là “ốm tương tư ai vậy đó”. Cuộc sống của bố mẹ và anh chị em chúng tôi đã trở lại bình thường cho đến ngày đem “lễ vật” xuống nhà ông thầy để “đút lót” những linh hồn của gia đình người quá cố. 

Một buổi sáng trước ngày ấn định, mẹ tôi đã thuê xe để đem xuống nhà ông thầy tại Ngã Tư Sở: vàng mã, nhà lầu, xe hơi, bảy hình nhân thế mạng tất cả đều làm bằng giấy trông cũng đẹp lắm, nhất là những người nữ thì cũng ‘mặt hoa da phấn’ để thay thế cho những người đã chết vì bom đạn trong thời kỳ chiến tranh, để rồi ngày hôm sau, mẹ tôi và chúng tôi mới xuống nhà ông thầy. Khi xuống đến nơi, bước chân vào nhà tôi thấy chị tôi có hơi do dự một chút. Nhìn khuôn mặt và hai con mắt của chị Phượng mới thấy được rằng gia đình người chết đã oán hận ông thầy ghê gớm lắm vì đã khoán bùa không cho lai vãng vào nhà “sau khi đã ký hòa ước” thành ra mất ăn tới mấy tuần lễ. 

Tôi lại được làm thủ tục để ngồi đồng cho gia đình người chết nhập vào để tiếp nhận tặng vật mà gia đình nạn nhân đã hứa vào mấy tuần trước; lần ngồi đồng này vì đã bị khuất phục bởi tài nghệ của Thầy nên tôi cứ để đồng lên sau khi hết bài thần trú; tôi được bỏ vuông vải điều để nhìn lên tượng Đức Phật, rồi lại nhìn xuống Hoả ngục, tôi thấy “hình như” tôi không còn cảm thấy sợ hãi nhiều như lần trước. Thủ tục tiếp nhận tặng vật được bắt đầu bằng việc “điểm chỉ trên lá bùa” do ông thầy Cả đưa ra thì tôi lại cưỡng lại và không chịu “cho lấy dấu tay” (lăn mấy ngón tay trên đạo bùa) để xác nhận có sự thỏa thuận giữa “Âm và Dương” và những linh hồn này kể từ nay không còn được xuất hiện trên dương thế để phá phách mọi người. Thế là lại một con Bạch Xà rồi cũng với hai cái roi mây lúc bấy giờ tôi mới thuận “ký Hiệp Định đình chiến” với ông thầy.

Điểm chỉ xong, đạo bùa được để lên bàn thờ Phật đồng thời ông thầy Cả đọc một bài thần trú rồi thỉnh mấy hồi chuông xong thì đốt đạo bùa, lúc này ngoài sân, vàng mã đã được “Tôi” kiểm nhận từng món một và được ông thầy Hai cho đốt cho đến khi cháy hết và chỉ còn lại một đống tro hồng; lúc đốt, ở trong Điện thờ tôi nhìn ra đống lửa và khi thấy tro sắp tàn, không hiểu sao tôi “thở dài làm như luyến tiếc lắm thì phải”. Đúng lúc này ông thầy Cả đã mang ly nước lạnh trên bàn thờ Phật đến bên cạnh đống lửa rồi lại niệm thần trú gọi tên từng Linh hồn của người chết rồi hất ly nước lạnh vào đống tro còn đỏ hồng thì ở trong Điện thờ, tôi tự động “bật ngửa” và thế là thăng đồng, tôi lồm cồm bò dậy mà nghe mỏi hết tứ chi, đi cũng không muốn nổi, mẹ tôi và Phụng đã phải đỡ tôi lên ngồi trên ghế mất vài phút sau mới hoàn hồn. 
Thế là kể từ ngày rằm tháng bảy năm 1952, ngày chị tôi bị ma nhập cho đến ngày “dứt nợ với bảy Linh hồn” thì cũng gần nửa năm. Và cũng kể từ ngày “ký hòa ước” với những người chết, chị tôi đã trở về nếp sống bình thường, cũng lập gia đình (1953) rồi sinh chín người con trai và chỉ có một cô con gái mà thôi. Vì thời cuộc đưa đẩy, miền Nam Việt Nam bị mất vào tay Cộng Sản chị tôi đã cùng với các cháu đến định cư tại Melbourne, trong đó có hai người con trai đã cắt tóc đi tu tại Linh Sơn Tự Melbourne, đó là: Thượng tọa Thích Tịnh Đạo, Đại đức Thích Tịnh Giác; suốt ngày đêm các thầy đã đem tiếng kinh tiếng kệ để đưa những Linh hồn của những người đã khuất về “ăn mày Phật”.

Câu chuyện thứ hai: 

......
Xuống đến quận Châu Phú, tôi được chỉ định làm Trung đội trưởng Trung Đội 2 Công Binh và thế là đầu tháng 7/1957 tôi đã khăn gói lên đường qua kinh Vĩnh Tế để đến xã Vĩnh Ngươn nhận trung đội của tôi. Xã Vĩnh Ngươn nằm ngay trên ngã ba của kinh Vĩnh Tế và sông Châu Đốc trên đường đến biên giới Việt Miên bằng đường thủy, và chỉ cách chỗ đóng quân của Đại úy Nguyễn Đình Cận không đầy một cây số.

Sự liên hệ giữa các vong hồn trong việc xây dựng đất nước Việt Nam.

Đang ở giáp ranh Bến Hải, nay xuống vùng giáp ranh biên giới với nước bạn Cao Miên, tôi thấy lần chuyển dịch này của tôi cũng lên đến hơn một ngàn năm trăm cây số. Trung Đội của tôi do anh Thượng sĩ Nhất Vấn đang làm trung đội trưởng, nhưng vì sự cải tổ quân đội vào những lúc này cho nên các Thượng sĩ chỉ còn được giữ chức vụ trung đội phó mà thôi. Sau khi nhận bàn giao đơn vị xong, tôi thấy nơi đóng quân của tôi là một ngôi đình bỏ hoang của xã Vĩnh Ngươn. Đền thờ “Thần Hoàng Làng” được dọn sạch để quân nhân các cấp có gia đình cũng như còn độc thân cùng chung sống dưới một mái đình, “trống thiên trống địa” trông không ra làm sao cả. Anh Thượng sĩ Nhất Vấn, lúc này là trung đội phó của tôi, đã thu xếp cho tôi một chỗ ngủ ở phía trước bệ thờ, bên trái là chỗ ngủ của mấy chú lính độc thân còn bên phải là chỗ của mấy quân nhân có gia đình, có mang theo vợ và con nhỏ, cho nên đến đêm tối thì đình xã Vĩnh Ngươn có một âm thanh hỗn loạn như ở những trại tạm cư khi chúng tôi trở về lại Hà Nội vào năm 1948 vậy. 

Sáng ngày hôm sau, vì tình hình lúc bấy giờ không có gì là nguy hiểm nên tôi bèn ra nhà dân để thuê một gian nhà để ở trọ đồng thời cũng nhờ ông bà chủ nhà nấu cơm nước cho tôi luôn cho nó tiện; tôi đã được anh chủ nhà tên là Út Trọn, làm nghề y tá, cho ở trong nhà của anh ta và nấu cơm cho tôi hàng ngày cho đến khi tôi hoàn tất công việc xây đồn tôi mới chia tay với anh Út Trọn. Yên ổn chỗ ăn và chỗ ở xong tôi mới bắt tay vào việc đi thăm địa điểm xây cất đồn, nơi mà công tác đã khởi công từ bốn tháng qua trong khi vật liệu xây cất đã được chở đến đầy đủ nhưng công việc thì hầu như chưa đuơc hoàn tất phần làm đất và làm móng cho công tác xây tường đồn. Ra đến địa điểm xây cất, tôi thấy nơi đây là một cái gò đất nổi lên ở giữa cánh đồng lúa bát ngát, gò đất chỉ cao hơn mặt ruộng chưa tới một thước, diện tích của gò đất thì không quá 2000 mét vuông. Phía xa xa ta có thể thấy được nhũng ngôi nhà của người Miên cách chỗ xây đồn chừng hơn một cây số, đó là những làng của người Miên được thành lập dọc theo biên giới Việt Miên từ xa xưa và lẫn trong những ngôi nhà này cũng có một đồn lính có treo cờ của Vương quốc Cao Miên. 

Xe ủi đất được đem tới đây và cũng đã ủi được một ít đất ruộng lên gò đất để đắp nền đồn cho cao thêm lên, hầu tránh cho đồn không bị chìm trong nước hàng năm vào mùa nước nổi là mùa lụt của Châu Phú khi nước sông Châu Đốc dâng lên theo mực nước của sông Cửu Long. Một số móng của tường đồn cũng đã được đào xong nhưng cừ tràm được dùng để tăng cường sức chịu nén cho nền móng của tường đồn thì không thể nào đóng sâu được vào trong nền của móng và anh Thượng sĩ Nhất Vấn cũng không hiểu tại sao. Việc đóng cừ được thực hiện bằng máy ép hơi có áp xuất là 210 psi (14,78 kgs/cm2) với cái vồ (cái đầm) bằng thép, cán vồ cũng bằng thép hình lục giác có đường kính chừng 5cm (2”), còn đường kính của cừ tràm khoảng 8cm ở phần gốc. 

Khi coi tổng quát xong, tôi cho đóng thử mấy cây cừ tràm chỉ dài có hơn hai thước xem sao, khi đóng cừ xuống được chừng 30 phân tây thì làm như có cái gì cản lại không cho cừ đóng xuống sâu hơn nửa. Tôi bèn cho tăng sức ép của máy để tiếp tục đóng tôi thấy cây cừ run rẩy nhưng không gẫy và cũng “nhất định” không xuống sâu thêm một tấc nào. Thế rồi trong tiếng “gầm gừ” của máy ép hơi, cán vồ bằng thép đã bị bẻ “gãy làm đôi”. Tôi cho ngưng đóng rồi thay cán vồ khác để lại tiếp tục công việc nhưng thưa quý bạn: “Cán vồ mới thay lại bị bẻ gẫy làm ba khúc”. Cán vồ chỉ dài có hơn 30 phân mà bị bẻ gẫy làm ba đoạn trong lúc cây cừ tràm lại không bị sứt mẻ chút nào thật là điều quá lạ. 

Báo cáo với ông Đại đội trưởng Nguyễn Đình Cận để trình về Tiểu đoàn ở Hóc Môn xin tiếp liệu thay thế; trong khi chờ đợi, tôi cho người mang hai cái cán vồ bị gãy ra quận Châu Phú để hàn lại rồi đem về tiếp tục công việc. Sau khi hàn xong, buổi chiều hôm đó, tôi cho khởi sự việc đóng cừ tiếp thì lần này: cừ không xuống, cán vồ không gãy nhưng cái vồ (cái đầm) có kích thước với đường kính là 20cm, bề dầy của cái vồ từ ngoài bìa vào đến giữa từ 2,5cm đến 5cm đã bị bể làm năm mảnh thế là hết làm việc. Trong lúc thu xếp dụng cụ để rút quân về đình làng Vĩnh Ngươn, tôi đi một vòng chung quanh khu đất làm đồn, tôi thấy “mấy long xương chân, xương tay” bị xe ủi đất cầy lên và đã bị cán bể nát ra thành từng mảnh. Giật mình tôi vội gọi anh Vấn và hỏi: 



- Cái này là cái gì đây anh Vấn?

- Dạ thưa Trung úy, “xương người chết”

- Ở đâu ra mà nhiều thế này? Bộ xe ủi đất của mình đào lên để đắp nền đồn có phải không?

- Dạ đúng Trung úy. Hôm trước còn đào được mấy sọ người, lớn có, bé cũng có.

- Thế mấy cái sọ người anh để ở đâu rồi?

- Dạ lấp đất luôn vì có mấy thằng lính mất dạy của Trung đội lấy sọ người đứng đái vào đó cho nên tôi cho chôn lại rồi.

- Thật bậy quá, sao anh không cho tôi biết khi tôi vừa mới tới nhận việc?

- Dạ tôi thấy Trung úy còn trẻ, sợ rằng Trung úy không tin nên không dám nói ra.

- Thế mấy người có tin là người ta có “linh hồn” hay không?

- Dạ tôi tin người ta khi chết đi thì linh hồn vẫn còn tồn tại mà Trung úy.

- Thế phản ứng của anh và của trung đội ra sao khi xe ủi đất ngày nào cũng cầy lên những “hài cốt của người quá cố”?

- Dạ thưa Trung úy, mấy cậu không tin và muốn phá ảnh hưởng “ma quái” nên đã đưa gái điếm của Châu Phú về đây để hành lạc. Tụi nó có ý định dùng đồ ô uế vứt tùm lum trên mặt đất để làm khu vực này không còn trong sạch nữa thì các Linh hồn sẽ “đi chơi” chỗ khác.

- Kết quả ra sao anh kể cho tôi nghe đi.

- Da, thế rồi mấy cậu lính của trung đội cũng chẳng làm ăn gì được và từ lính đến gái điếm đều bị quẳng xuống ruộng nước hết, sợ quá cho nên từ đó cho đến này không một đứa nào còn dám nghĩ đến chuyện phá phách những linh hồn của người đã khuất.

- Thôi được rồi anh cho rút quân và nghỉ làm việc ba ngày để tôi tìm biện pháp đối phó và sẽ có quyết định sau. 

Khi về đến nhà của anh Út Trọn tôi hỏi anh chủ nhà về tình hình trong mùa nước nổi, những thi hài của người chết được chôn cất ở đâu và như thế nào, nghe tôi hỏi, anh Út Trọn mới kể cho tôi biết như sau: 

“Hằng năm cứ vào mùa nước lụt, cánh đồng lúa nước ngập mênh mông vì nước sông Châu Đốc tràn vào đồng và chỉ còn có mỗi một cái gò đất hiện được chọn làm nơi xây cất đồn là không ngập nước mà thôi, những người già cả, hay trẻ thơ trong xã kể cả dân chúng chung quanh vùng này, nếu có ai bị chết đều được đưa lén về đây để chôn cất. Dân làng đều biết việc này nhưng không một ai dám ngăn cản và cứ thế hết năm này sang năm khác, người chết cứ chôn đè lên nhau cho đến lúc này thì chính tôi cũng không biết đã có bao nhiêu người được chôn cất tại đây”. (Gò đất nằm phía sau nhà anh Út Trọn chừng 400 thước). 

Sau khi kể cho tôi nghe đến đây, tôi cũng nói cho anh Út Trọn biết về vụ gẫy cán đầm và bể mặt đầm vừa mới xẩy ra trong ngày hôm nay, nghe xong anh Út Trọn mới hỏi tôi:

- Bây giờ Trung úy tính sao? 

- Gần đây có ngôi chùa nào không anh Út?

- Dạ gần nhà mình chừng vài trăm thước về hướng biên giới có một ngôi chùa của người Miên, tất cả sư, sãi đều là người Miên nhưng họ nói được tiếng Việt, mà Trung úy tính chi vậy?

- Sáng mai, anh Út dẫn tôi lên chùa để gặp nhà sư trụ trì của ngôi chùa này nhé.

Thế là sáng ngày hôm sau, tôi và anh Út Trọn lên chùa và đươc vị sư trụ trì của ngôi chùa Việt Miên độc nhất của xã Vĩnh Ngươn tiếp chuyện. Sau khi thăm hỏi xã giao xong tôi mới vào thẳng vấn đề với nhà sư để xin được giúp đỡ, tôi trình bày tất cả những sự việc xảy ra trước khi tôi đên đây và những việc mới xảy ra vào ngày hôm trước đồng thời tôi xin nhà chùa dọn cho tôi một bàn thờ để ‘Rước Vong’ (những linh hồn người chết) về chùa Ăn Mày Phật, sớm tối nghe tiếng kinh tiếng kệ để những linh hồn này được siêu thoát. Để trả ơn nhà chùa, tôi hứa sau khi xây xong đồn những vật liệu còn dư tôi sẽ cúng chùa và cho lính Công Binh sữa chữa lại ngôi chùa cho khang trang hơn chấp nhận lời yêu cầu của tôi, nhà sư đã đồng ý ngày hôm sau sẽ cho làm lễ rước vong về chùa vào đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa), việc tổ chức lễ rước vong sẽ được nhà chùa lo liệu tất cả. 

Trở về đơn vị, đúng giờ Ngọ của ngày hôm đó tôi đã ra gò đất một mình, đứng giữa gò đất tôi bắt đầu nói:

“Tôi là Trung úy Ngô Duy Lâm, Trung Đội Trưởng Trung Đội 2, Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 1 Công Binh Kiến Tạo, tôi được lệnh xuống đây để xây cất một đồn lính để bảo vệ nhân dân địa phương chống lại sự quấy phá của người Miên. Vị trí xây đồn được chỉ định là gò đất này, nhưng tôi được biết nơi đây là nơi an nghỉ của những Linh hồn già cũng như trẻ từ bao nhiêu năm qua, tôi rất tiếc là vì việc nước không thể không làm được vậy tôi có mấy đề nghị với những linh hồn đang yên nghỉ tại đây như sau:

· Đúng giờ Ngọ ngày mai, chúng tôi sẽ làm lễ rước vong về chùa tại xã Vĩnh Ngươn để các linh hồn, không phân biệt tôn giáo, được ăn mày Phật. Sớm tối nghe kinh kệ để được siêu thoát và đầu thai kiếp khác. 

· Nếu Linh Hồn nào có những điều ước muốn nào khác với ý định của tôi trong việc đưa linh hồn về chùa thì trong đêm nay hãy về báo mộng cho tôi biết, trong quyền hạn cùng như khả năng của tôi, tôi làm được điều gì tôi xin hứa sẽ làm theo ước muốn của người báo mộng. 

· Nếu đến sáng ngày mai, tôi không được linh hồn nào báo mộng, tôi coi như các vong hồn đã chấp nhận lời yêu cầu của tôi và nghi lễ về Phật giáo sẽ được xúc tiến vào giờ Ngọ để “thỉnh các vong hồn” về chùa, “trả đất lại cho chính phủ” để tôi xây đồn bảo vệ đất nước. Tôi xin thành thật cám ơn các linh hồn trước.

· Sau buổi lễ ngày mai nếu mọi công tác xây cất không được xúc tiến như ấn định, tôi cũng xin lỗi quý vong hồn tôi sẽ xóa bài làm lại. Tôi sẽ sử dụng một khối lượng thuốc nổ để san thành bình địa khu vực này và các linh hồn sẽ không còn nơi tá túc. Đó không phải là ước muốn của tôi, xin quý vong hồn thông cảm. Đây là việc nước chứ không phải là việc nhà, vây xin quý vong hồn hãy chấp nhận lời yêu cầu của tôi để về chùa “ăn mày Phật”. Tôi xin đa tạ.

Sau khi tuyên bố với những người khuất mặt xong, trở về lại nơi đóng quân, tôi nhờ vợ của Trung sĩ An và vợ Trung sĩ Tô Hồng Lạc, hai anh đang là Tiểu Đội Trưởng của tôi, vì hai chị theo đạo Phật để sáng hôm sau mua nhang đèn, vàng mã, tiền giấy và hoa quả để rồi tôi cho lập bàn thờ tại nơi xây đồn vào ngày cúng vong. Tôi cũng yêu cầu anh Út Trọn cho tôi được ăn cơm chay ngày hôm đó để chờ đến đêm xem có linh hồn nào báo mộng chăng. Tôi cũng đã thắp nhang cúng Phật và Đức Thổ Thần của gia đình anh Út Trọn xin cho phép các vong hồn được nhập cư để báo mộng cho tôi, sau đó tôi cho người liên lạc lên chùa để xin tổ chức đưa vong về chùa vào ngày giờ đã được ấn định trước. 

Mọi việc diễn biến đúng như tôi đã tính, tôi không được vong hồn nào báo mộng nên lễ Rước Vong được nhà chùa tổ chức rất trọng thể vào ngày hôm sau và được bà con nhân dân xã Vĩnh Ngươn tham dự rất đông đảo, nhà chùa đã tụng kinh cầu siêu cho các vong hồn trong suốt 3 ngày đêm với sự tham dự của một số gia đình có người thân được chôn trên gò đất làm đồn. Vàng mã và tiền giấy (tiền Âm Phủ) được chúng tôi đốt khi “tiễn vong ra khỏi nơi cư trú của họ”, việc làm này đã đem đến cho chúng tôi, những người lính Công Binh xây đồn, một sự thoải mái trong tinh thần vì đã làm được một việc mà chúng tôi cứ nghĩ rằng khó mà làm nổi. 

Trưa ngày hôm sau, đúng giờ Ngọ, tôi dẫn quân và đem cơ giới công binh đến gò đất để chuẩn bị làm việc, trước khi tái khởi công công tác, tôi cũng thắp mấy nén nhang, và nói mấy lời cám ơn những người đã khuất rồi mới cho tiếp tục công tác đắp nền, đào móng, đóng cừ. Trong lúc làm, nếu thấy nhũng hài cốt nổi lên thì đều được đặt vào một thùng gỗ để rồi đem lên chùa hỏa thiêu, công tác đã được Trung Đội của tôi tiến hành một cách nhanh chóng và đặc biệt là không có một trục trặc nhỏ nào xảy ra. Gần bốn tháng sau thì việc xây cất hoàn tất, như đã hứa, tôi cho thuộc cấp đem hết vật liêu dư thừa lên tu bổ chùa trong một tuần lễ rồi mới từ giã nhà chùa, từ giã người sống cũng như người chết để di chuyển Trung đội đến nhận công tác xây một đồn khác tại xã Bắc Đay, quận An Phú, bên bờ sông Châu Đốc trên đường sang Miên.


Tác Giả - Hồ Cáp Ngô Duy Lâm
      edit

0 nhận xét:

Đăng nhận xét