KÝ SỰ PHÍA BÊN KIA CHIẾU KHÔNG GIAN THỨ TƯ.
Giới thiệu : gần đây trên MXH có loạt bài viết của https://www.facebook.com/kysuphiabenkia/ có khá nhiều điều thú vị và mới mẻ với những suy nghĩ thường nhật của chúng ta. dienbatn không nhận xét đúng sai như thế nào bởi mỗi người chúng ta có những góc nhìn riêng của mình từ đó sẽ có những đánh giá riêng . Về phần dienbatn chỉ xin có mấy câu như sau :
(“Đời say cả! Sao ngươi không ăn cả bã, uống cả hèm, cho say luôn một thể? Đời đục cả! Sao ngươi không quậy thêm bùn, vỗ thêm sóng, cho đục luôn một thể? Tội chi mà phải bỏ đời mà đi?”. Nói xong, gã lái đò lẳng lặng đứng lên, nhổ sào. Tiếp tục cho con thuyền…) - Tàn cuộc - Hạ ngươn rồi - Có lẽ cần tăng tốc cho cuộc cờ chóng tàn đi chăng ? Cùng tắc biến - Biến tắc thông . Bĩ cực sẽ Thái lai mà.
"Thiếu gì những kẻ muốn xâm lăng,
Vũ khí hung tàn có thể ngăn.
Chỉ sợ Tâm Linh bày cuộc chiến,
Còn hơn là Ðịa chấn- Sơn băng.
Như Hải tinh trong Quốc bảo mình,
Ðời nào cũng có bậc anh minh.
Mỗi khi sông núi vang lời gọi,
Là có Rồng thiêng biến hữu hình ".
Thơ của một ẩn sĩ .
.................................................
Chối từ trung hiếu với Trời xanh.
Còn kiếp nào đâu để tựu thành.
Sự sống thời gian là hiện tượng.
Giác là vô diệt – Ngộ vô sanh.
..................................................
Một dân tộc mất đi nền Văn minh mẹ đẻ thì sớm bị nô lệ, muộn sẽ đồng hóa tiêu vong.
Hãy nhớ tương lai nhiều biến đổi ,
Nhưng không đổi biến được hồn thiêng.
LẠC LONG QUÂN PHỤ -ÂU CƠ MẸ,
Chờ đợi vung tay Quốc lệnh truyền.
....................................................
Có phải Hồn thiêng của núi sông,
Mất đi từ thủa mất cha ông ?
Nay ta dựng dậy Hồn sông núi,
Để trả Hồn thiêng lại núi sông.
THRT.
Xin giới thiệu cùng các bạn.Thân ái. dienbatn.
Âm thanh ba hồi trống vọng thinh không... lay cửa Nam Thiên Môn. Báo hiệu sẽ tiễn đưa một oai linh hiển hách về... "chầu Trời"!
Trong bài viết trước đây với tựa đề "Phương Tiện". Âm thanh của nhạc điệu nói chung, là âm thanh cuối cùng. Phù trợ kiếp phù sinh nhân thế chúng ta về với cõi... lãng quên nào đó.
Tuy nhiên, Âm thanh của tiếng trống đơn lẻ nơi pháp trường. Là âm thanh chọn lọc, duy nhất khẳng định: Đưa khí phách những kẻ hiên ngang vào thẳng Ngọ Môn Quan, không khác.
Và rằng: Trong một trang lưu trữ hồ sơ của lịch sử pháp trường. Có chép lại thời điểm mà giai đoạn năm tháng cũ không phai vết dấu; Tiếng Dao Cầm là âm thanh đầu tiên hòa nhịp cùng tiếng trống nơi pháp trường. Và đồng thời đó cũng là tiếng vọng cuối của Dao Cầm còn rơi vương vãi đâu đó trong Khúc Quảng Lăng.
Tiềm ẩn ý trong đó là:
Cùng với tiếng trống nơi pháp trường ngày đó. Không biết Dao Cầm đã tiễn Kê Khang hay, Kê Khang đã tiễn Dao Cầm về với miền tịch dương, qua khúc Quảng Lăng Tán?
Trước khi làm rõ những uẩn khúc này. Ta nhanh quay trở lại với mạch đề tài dễ có nguy cơ "lạc điệu"... vì mải "dạo... quanh".
Ánh sáng từ ngọn lửa Tiệm Ly. Cũng dần soi sáng đêm trường lịch sử cho phận "thiêu thân" noi theo, với tên gọi: Nhiếp Chính!
Nghe kể lại rằng; Nhiếp Chính trong một ngày nào đó (?), của quá khứ lịch sử xa lâu. Đã vì một hận cớ mà bỏ phố lên rừng suốt 10 năm để... học đàn! Không biết ngày đó Nhiếp Chính đã may kiến ngộ phải vị "quy sư phụ" nào mà không thấy sử sách nhắc đến?! Đã truyền lại tuyệt kỹ Dao Cầm.
Thay vì Kinh Kha và Tiệm Ly. Kẻ đeo kiếm, gã mang đàn. Cùng nhau đối ẩm, thù tạc, ngao du với thú tiêu dao giữa chợ đời... chỉ riêng đôi bạn. Đàng này thì Nhiếp Chính vác đàn rãi khắp chợ đời đến đỗi: Trâu, Ngựa đi ngang cũng đã phải dừng lại mà vểnh tai... nghe đàn!
Ấy! Chớ có lầm đấy. Bởi ngón đàn của Nhiếp Chính ngày đó đã đạt đến độ; Rung động cả chim muông, lục súc rồi đó vậy. Ý tại ca từ... Trường giang sóng sau xô sóng trước đó mà. Ai đó chớ có vì nông ý mà nghĩ cạn về khúc Dao Cầm kẻ sĩ này đang sở hữu.
Tất nhiên việc noi gương sáng của tiền nhân là chuyện phải xảy ra trong một sáng một chiều đẹp trời nào đó. Điều này có nghĩa là Nhiếp Chính cuối cùng rồi cũng ôm đàn học đòi, thích khách Hàn Vương! Như đã mô tả; Kinh Kha và Tiệm Ly, kẻ đeo kiếm, kẻ mang đàn. Nhiếp Chính bao gồm cả hai là vừa đeo kiếm lại kiêm luôn cả mang đàn! Cho thừa chí khí...
Thế nên ta thấy trong thời điểm Nhiếp Chính dùng điệu đàn để thích khách Hàn Vương cảm thấy bất khả thi. Vội buông đàn mà múa kiếm tiếp tục hành thích. Tuy nhiên sau cùng thì Nhiếp Chính đành "thích luôn chủ" thay vì chỉ phải "thích riêng khách". Kể cũng oan khốc một thời.
Nghe đâu, điệu đàn ngày đó mà Nhiếp Chính dùng để thích khách Hàn Vương chính là khúc Quảng Lăng Tán!, bất hủ.
... Trải qua đủ cuộc bể dâu khoảng chừng 500 năm sau. Mãi về thêm trăm sau nữa, Khúc Quảng Lăng lại một lần nữa, bước ra từ huyền thoại! Kể cũng lạ. Không ai thấy cũng như biết Kê Khang học đàn từ đâu cả! Truyền thuyết chỉ có thể truyền lại rằng: Chính Nhiếp Chính đã truyền lại khúc Quảng Lăng Tán cho Kê Khang qua giấc mộng!?.
Và Kê Khang đã phục hồi và đồng thời phát huy khúc Quảng Lăng Tán này lên một tầm cao vời vợi hơn trước đấy nữa. Chính vì lẽ đó mà khúc Quảng Lăng Tán đã đi liền với tên tuổi của Kê Khang mãi về sau. Chúng ta được biết Kê Khang là một ẩn sĩ trong nhóm của Trúc Lâm Thất Hiền. Suốt ngày chỉ ngao du sơn thủy, vui thú cầm kỳ thi họa cùng nhóm bạn, chẳng màng thế sự mà chen chân.
Ta thấy vì cớ gì mà đương thời Kê Khang khinh thường luôn cả bao gồm từ: Nhà Thương, Nhà Ân, Văn Vương, Khổng Tử!?. Điều đó càng nhấn mạnh thêm cho ta thấy ngón đàn Dao Cầm trong tay Kê Khang hẳn là trác tuyệt. Mà quả có như thế thật. Mọi sự để hạ hồi phân giải.
Như đã diễn tả ở đầu bài viết này: Trước pháp trường, sau ba hồi trống. Kê Khang đã dùng ân huệ cuối cùng là chơi bài Quảng Lăng Tán. Mặc cho đao phủ chống ngược mũi đao cạnh một bên chờ tiễn linh hồn trực chầu. Như những gì mà lịch sử đã ghi; Sau khi cùng Dao Cầm lướt xong khúc Quãng Lăng Tán. Kê Khang quăng đàn hét lớn: Khúc Quảng Lăng kể từ đây thất truyền.
Thế nhưng, Biết bao danh cầm của Trung Hoa từ đó đến nay khẳng định rằng Kê Khang đã sai! Bởi Khúc Quảng Lăng Tán vẫn còn hiện diện đến tận hôm nay!!
Riêng tôi vẫn lập lại lời của Kê Khang rằng: Quả như lời Kê Khang. Thất truyền thật rồi vậy. Điều này phản ảnh là cho đến mãi tận hôm nay. Vẫn chưa có một ai đủ để hiểu ý tấu của khúc Quảng Lăng Tán là gì cả!
Nếu ta xem như từ giai đoạn mà Kê Khang khai tử Khúc Quảng Lăng Tán thì: Dĩ nhiên đó sẽ là cột mốc chấm hết. Như thế, ta tạm giới hạn kể từ giai đoạn này để tra xét ngược trở về quá khứ cũng đã đủ dữ liệu rồi vậy. Cũng theo như lời của Khổng Tử thì ông luôn hoài vọng về cổ nhạc của thời Nhà Ngu. Vậy ta có một giai đoạn lịch sử tính từ Vua Nghiêu với Khúc Nam Phong, kéo dài đến Kê Khang trong Khúc Quảng Lăng Tán làm giới hạn cho phạm vi xem xét về Dao Cầm rồi vậy.
Xét tổng thể, ta có tất cả 3 điệu khóc cùng Dao Cầm!:
Thứ nhất là tiếng khóc rất âm thầm, sâu kín của Cơ Xương với điệu; "Văn Vương Khóc Bá Ấp Khảo", !. Tiếng khóc thứ hai lập lại ra vẻ rõ ràng hơn người xưa với; "Khổng Tử Khóc Nhan Hồi", !!. Và rồi tiếng khóc đó được khóc thét một cách não nùng qua: "Bá Nha Khóc Tử Kỳ", !!!. Một điệu khóc kéo dài suốt một cuộc bể dâu. Đăng đẳng 500 năm dài khóc bởi Dao Cầm!. Kể ra cũng rất, lấy làm lạ lùng!.
Những điệu, khúc còn lại. Ta có thể phân loại như sau:
Ngón đàn của Cao Tiệm Ly Tiễn Kinh Kha, tiễn Tần Vương và thậm chí tiễn luôn cả khổ chủ bao gồm. Dĩ nhiên, qua như những gì đã phân tích, được xem là ngoại hạng.
Tiếp đến...
Lại có 3 ứng cử viên nữa sở hữu ngón đàn Dao Cầm có thể xem là đã đạt tới cảnh giới khiến cầm thú, chim muông cũng phải rung động! Hiễn nhiên đó là Nhiếp Chính, Kê Khang tấu chung khúc Quảng Lăng Tán. Ngoài ra không thể bỏ sót "cánh nhạn lạc" bởi tiếng đàn tại cửa ải Nhạn Môn Quan cho được! Điều mà tôi không thể bỏ sót qua, chính là Khúc Bình Sa Lạc Nhạn của Chiêu Quân trong xa mờ, phủ lấp bụi Hồ.
Lại phản ảnh thêm một cuộc bể dâu nữa cho đoạn sau này của Dao Cầm! Cũng 500 năm nữa lập lại quá khứ. Tuy có khác những điệu khóc sầu thảm của 500 năm trước. Là thay vào đó thành những khúc ai oán, bi thương, của 500 năm sau!
Khảo xét ở vào tầng sâu hơn nữa, cho thấy:
Tiếng đàn của Chiêu Quân có thể gây rung động được cầm thú (lạc nhạn) như Nhiếp Chính và Kê Khang. Ngoài ra tiếng đàn ấy kiêm luôn cả việc "Sát Tri Âm" như Tiệm Ly và Kinh Kha!! Bởi chính xác là cánh nhạn nơi biên thùy ngày đó đã bị đứt từng khúc ruột, rơi xuống mà chết "!?". Quả là có sự thật như thế, đối với ngón đàn của Chiêu Quân. Tình tiết này không như sự suy diễn của các nhà thơ, văn. Mô tả là do thấy sắc đẹp của Chiêu Quân, mà chim nhạn bay lạc đàn về cuối nẻo hoàng hôn.
Ta thấy: Vượt lên trên tất cả chính là tiếng đàn của Vua Thuấn với Khúc Nam Phong.
Tuy nhiên. Án xưa, tích cũ. Vẫn còn quá nhiều những giá trị tiềm ẩn đầy oan khốc, đang nộp hồ sơ tố cáo trước cửa của kỷ nguyên mới.
Và... Lý Lịch Dao Cầm đang được truy dấu quá khứ thân phận để bổ sung hồ sơ với "ký mã": "Ai Là Chủ Nhân Của Dao Cầm?".
Để làm được điều đó: Trước hết ta nhất định phải tra xét cho ra nguyên cớ nào mà Dao Cầm lại gây ra biết bao tiếng vọng muôn vẻ như thế? Chắc chắn điều đó sẽ có ở phía bên kia không gian chiều thứ tư. Với một cách mô tả khác là: Đó là thế giới của huyền thoại. Bởi Dao Cầm đã đi vào huyền thoại. Trong khi huyền thoại lại chính là mô hình gần với thực tại nhất.
Bước tiếp theo sẽ là chủ đề: "Hoàng Đế Với Dao Cầm Khúc Nôi!".
Hoàng Đế!... Hai từ này đồng nghĩa với huyền thoại. Một khi nhắc đến Hoàng Đế, có nghĩa là ta đã nhắc đến huyền thoại rồi. Giai đoạn lịch sử kéo một lằn ranh phân định rõ rệt tại thời điểm của Vua Nghiêu, Thuấn!
Dù muốn hoặc không. Hễ nhắc đến thời Vua Nghiêu, Thuấn là ý thức chấp nhận đó là thời cổ xưa. Nhưng nếu nhắc đến Hoàng Đế thì mô hình tự nhiên phản ảnh đó là huyền thoại ngay lập tức!
Thế nhưng, đối với địa phương phía bên kia không gian chiều thứ Tư đó. Vốn không có cách biệt ranh giới rõ ràng như địa phương bên này của không gian 3 chiều đương đại. Điều đó cũng hoàn toàn có nghĩa; Tương lai chỉ là sự lập lại những gì từ trong quá khứ mà thôi. Bởi mô hình tự nhiên trong vũ trụ là: Hễ có Thủy ắt có Chung. Mà một khi mô hình thể hiện tính Chung thì điều tất yếu tiếp đến sẽ là Thủy.
Vì thế giai đoạn thực tại đang gõ cánh cửa của huyền thoại...
Cho nên người quen cũ của huyền thoại, nhất định phải lộ diện trước kẻ "tri âm" thực tại hiện nay. Sau một vòng trời, vó ngựa tiêu sương, mã đáo tại nơi tuyệt bí mà huyền thoại định quán. Đó là nơi mà sử sách huyền thoại xưa kia có ghi là:
Dịch Trạm và Quán Huyền!
Và trang đầu tiên của tác phẩm: "Truyền Thuyết Thời Hiện Đại". có nội dung được "thuyết" như sau:
... Không gian thoắt nhiên trở nên mù mịt, sương tuyết trùng vây, che phủ trận chiến khốc liệt khi ấy!... Tất cả tướng sĩ đều hoảng loạn, mất phương hướng, do cách nhau 3 thước, không nhìn rõ mặt. Duy nhất chỉ riêng Hoàng Đế là còn nhận định được phương hướng nhờ bảo vật Nam Xa mà thôi.
Hoàng Đế có cảm giác cô độc giữa bối cảnh mà trùng điệp binh lực đã bị tuyết sương xóa nhòa trong không - thời gian khi ấy. Ngay cả Thần Tướng Phong Hậu cũng lạc mất trong sương khí cùng với 13 Thiên Lục Pháp Cô Hư. Giữa lòng không gian mù đặc sương khí đó; Những âm thanh gọi lạc nhau hoảng loạn rền khắp mọi nơi. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng gào thét thất thanh, đệm hòa gió tuyết như bản giao hưởng cuồng loạn của Hóa Công.
Ngoài phương hướng, không - thời gian cũng đã hoàn toàn bị xóa nhòa bởi sương tuyết. Hoàng Đế không còn nhận định được loạn cảnh này đã tồn tại bao lâu? Trong giá lạnh cô độc, hoàn cảnh này đã đưa Hoàng Đế bất giác hồi ức về cái nắng ấm miền hoang mạc của quê xa. Nơi yên bình mà Hoàng Đế đã bỏ rơi lại sau vó ngựa trường chinh từ bao giờ...
Thường thì chỉ khi rơi vào hoàn cảnh. Trong khi hoàn cảnh lại là yếu tố luôn làm thay đổi toàn bộ cục diện một cách bất ngờ!...
Hoàng Đế đang chết đuối cạnh chiếc phao yếu tố đó...
Đang chết đuối trong tuyệt vọng. Nỗi cô độc phủ chụp dần, niềm cố hương đang da diết, khắc khoải... gượng sống. Trong sương mờ, nhân ảnh của cây đàn Dao Cầm mờ ảo, chập chờn bên hiên của chiếc Nam Xa.
Đó là thời khắc cứu cánh, khi Hoàng Đế vô tình tấu lên khúc quê hương lạc dấu chân nhạn đã khuất xa... Đang thả hồn theo tiếng đàn da diết của cây Dao Cầm. Bất chợt Hoàng Đế thấy chập chờn trong sương mờ, có bóng một người đang đứng thẫn thờ lắng nghe tiếng đàn trước Nam Xa!
Hoàng Đế thảng thốt khi nhận ra đó chính là Xi Vưu!
Ý thức ùa về. Hoàng đế ngay lập tức sử dụng tuyệt kỹ của Dao Cầm, giữ chân kẻ đang ngóng tri âm đó. Cơ hội ngàn năm đang hội tụ dưới ngón đàn. Hoàng Đế không ngần ngại sử dụng tất cả tinh hoa của dây "Sát" dồn dập. Đó chính là dây thứ 6, là dây mà Hoàng Đế đã thêm vào Dao Cầm hòng chinh phục Xi Vưu. Thế nhưng huyền thức cuối cùng này cũng không thể đoạt mạng được Xi Vưu. Tuy nhiên nó cũng khiến cho Xi Vưu bủn rủn chân tay, nhớ về vợ con mà không tài nào đánh nổi được nữa!
Không biết Hoàng Đế đã sử dụng tiếng Dao Cầm hàng phục Xi Vưu ngày đó giữa màn sương tuyết ra sao? Bằng thủ pháp nào, không một ai biết được? Khi sương tuyết tan dần theo tiếng đàn thì hình bóng lẫn tung tích của Xi Vưu cũng tan biến mất theo, kể từ thời điểm đó mãi mãi!
Trận chiến Trác Lộc đã lưu vào huyền sử. Tuy nhiên tung tích của Xi Vưu sau trận Trác Lộc hoàn toàn không dấu vết! Huyền sử cũng không thể ghi chép được lại gì ngoài vài câu: Hoàng Đế đã dứt Xi Vưu ở một nơi được gọi là "Tuyệt Bí". Không ai biết được.
...
Trên đây là diễn biến cuối trong trận Trác Lộc. Ta thấy Hoàng Đế đã sử dụng điệu Dao Cầm để hàng phục Xi Vưu. Điều này có nghĩa là Hoàng Đế chính là người đầu tiên sử dụng Dao Cầm trong lịch sử của Trung Hoa trong trận Trác Lộc huyền thoại.
Vậy là phạm vi lịch sử đã nới rộng giới hạn xem xét cho dấu tích của Dao Cầm được tính từ Hiên Viên Hoàng Đế. Đó chính là địa phương quá khứ khởi thủy của tiếng Dao Cầm trong khởi sử Trung Hoa. Vậy xét trong cuối chiều thời gian hiện tại. Tiếng Dao Cầm đủ tiêu chí để làm đại diện giới hạn của phạm vi xem xét đến chính là: Khúc "Tiếu Ngạo Giang Hồ" của Kim Dung.
Qua nhận định ở trên, ta có được những diễn biến như:
Trước khi Hoàng Đế sử dụng Dao Cầm làm chiến cụ để hàng phục Xi Vưu thì Dao Cầm nguyên thủy vốn chỉ có 5 dây mà thôi! Chính Hoàng Đế đã thêm vào dây thứ 6 làm huyền thức cuối cùng trong tuyệt kỹ của Dao Cầm. Sau điệu đàn ở Trác Lộc, tiếng đàn Dao Cầm mai ẩn tung tích cho đến lúc Vua Thuấn tấu Khúc Nam Phong.
Ta thấy cây Dao Cầm mà Vua Thuấn sử dụng để trị nước lúc đó chỉ có 5 dây mà thôi! Điều này có nghĩa là: Sau trận Trác Lộc, Hoàng Đế đã cố tình tháo dây thứ 6 ra và trả lại nguyên vẹn giá trị của Dao Cầm nguyên thủy. Cho nên ta thấy cây Dao Cầm của tổ tiên truyền đời đến Vua Nghiêu chỉ có 5 dây khi tặng cho Thuấn làm của hồi môn.
Trong giai đoạn của Nhà Ân. Văn Vương vốn là dòng dõi hậu thế của Hoàng Đế ngày trước. Từ đó mới sở hữu bảo vật gia truyền này từ tổ tiên truyền lại trong gia tộc. Có một sự thật là chính Văn Vương mới là người thêm dây thứ 6 vào cây đàn này. Không phải Bá Ấp Khảo như mọi người thường lầm tưởng xưa nay!
Chính vì lý do đó cho nên Bá Ấp Khảo không hề biết dây thứ 6 vốn là dây "Sát" mà Hoàng Đế ngày xưa tạo ra cốt là để hạ sát Xi Vưu. Từ đó mới vô tình gây ra cái vu họa thích khách cho Bá Ấp Khảo một cách oan ức, khi dâng bảo vật gia truyền cho Vua Trụ để chuộc cha. Điều này mới khiến cho sau đó Văn Vương phải âm thầm tấu khúc "Văn Vương Khóc Bá Ấp Khảo", khi đã thoát được về nước. Điều này được minh chứng bởi dây thứ 6 này được gọi đúng tên của nó là dây "Văn".
Đến khi Cơ Phát dấy binh phạt Trụ. Lại đã thêm vào dây thứ 7 là dây "Vũ" theo tên hiệu của Vũ Vương. Kể từ giai đoạn này thì cây đàn Dao Cầm đang tiềm ẩn trong đó có dây "Sát".
Cho đến thời Đông Chu. Khổng Tử đã học lại tuyệt kỹ Dao Cầm của Văn Vương, kèm cả cầm phổ truyền đời từ Tây Chu. Hoàn toàn tin tưởng vào học thuật từ tổ tiên đó, Khổng Tử không ngần ngại viết Kinh Nhạc. Ta thấy sự kiện nổi lên khi Khổng Tử bị vây ở đất Khuông. Ta hẳn sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên cho lắm. Khi thấy Khổng Tử cứ mãi mê đánh đàn trong tình cảnh mọi người đói dậy không nổi. Bởi Khổng Tử đang ôm mộng dùng tiếng đàn này hàng phục Rợ Địch kia! Tuy nhiên ta thấy Khổng Tử đã không thể toại cái dâm chí đó được rồi vậy. Điều này đã tố cáo Khổng Tử chưa đủ để hiểu được Dao Cầm.
Đó chính là lý do Khổng Tử tỉnh ngộ và vội quay về mở trường học và tiếp tục mày mò nghiên cứu Dao Cầm. Và tiếng Dao Cầm ngày đó vang lên khúc "Khổng Tử Khóc Nhan Hồi" là đều có lý do chính đáng cả. Những câu nói của Khổng Tử còn ghi lại trong sách sử, đã là những cáo chứng không thể chối bỏ. Khổng Tử không thể lĩnh hội nổi tuyệt kỹ của Dao Cầm được. Chính điều này khiến nên Kê Khang có lời xem thường là hoàn toàn chính đáng.
Và Kinh Nhạc tất phải được khai tử so với Ngũ Kinh. Khổng Tử không hề giỏi về thuật đàn như mọi người lầm tưởng. Khổng Tử đã phải trả giá đắt khi mày mò tới dây "oan khiên", khiến gây nên cái chết của Nhan Hồi ngày đó. Ta thấy Bá Nha sở hữu những gì được truyền lại từ Khổng Tử. Nên cũng mô phỏng một cách tuyệt đối tận trung với thầy của mình qua khúc "Bá Nha Khóc Tử Kỳ"! Dĩ nhiên sau đó Bá Nha đã liễu ngộ tất cả về khả năng của Khổng Tử mà ông đã trọn đời tôn thờ. Và nấm mồ cô thảm trong tâm của Bá Nha có nấm đắp cao hơn của Khổng Tử là tất yếu. Rất đoạn trường.
Từ sự kiện này; Ta xét thấy Cao Tiệm Ly xứng đáng khoác cây Dao Cầm đi ngao du thiên hạ lúc đấy hơn hai bậc tiền nhân. Bởi Cao Tiệm Ly có biết giá trị của dây thứ 6. Và chính Cao Tiệm Ly đã sử dụng phương tiện này, để tiễn Kinh Kha quá giang Dịch thủy trước lúc nhập Tần. Nhưng phản ảnh hồi sau của kịch bản cho biết; Đạo diễn vẫn non tay đối với tiếng đàn Dao Cầm ngày ấy trong trung cảnh! Đó thực sự là bi cảnh không mong muốn đối với Cao Tiệm Ly. Bởi dây "Sát" không hiểu vì cớ gì mà mãi không chịu đứt, dưới mười ngón tay đã rã rời của kẻ hành thích? Kết luận cho thấy; Cao Tiệm Ly vẫn chưa có thể sở hữu tuyệt kỹ của Dao Cầm cho được.
Xét tới Nhiếp Chính; Nếu đã phần nào nắm được những sự kiện nào tiềm ẩn phía sau cây đàn Dao Cầm qua những dòng trình bày. Ta sẽ lấy làm ngạc nhiên cho tiếng đàn của nhân vật này. Bởi điệu đàn dưới tay Nhiếp Chính đã đạt tới đẳng cấp chôn chân cầm thú, lục súc, không nhấc lên nổi nữa rồi! Cớ sao lại chịu thất bại trong kế hoạch hành thích Hàn Vương?! Nguyên cớ bởi Nhiếp Chính không hề được biết rằng; Cây đàn Dao Cầm mà mình đang sử dụng lúc đó chỉ có 5 dây! Không có dây thứ 6 vốn là dây "Sát". Làm sao mà Nhiếp Chính có thể hoàn thành phi vụ này bằng tiếng đàn cho được.
Dĩ nhiên Kê Khang sau đó cũng lại dẫm phải hố chân đó thôi. Do Khúc Quảng Lăng Tán vốn được chỉ soạn và tấu bằng 5 dây mà thôi. Cho nên ta thấy hành động của Kê Khang trước pháp trường: Có mục đích là muốn dùng tuyệt kỹ Dao Cầm để mưu "Sát" đối thủ, tự cướp pháp trường giải nguy cho mình. Thật không may cho Kê Khang; Sau khi thất chí, Kê Khang đã quăng đàn và thốt lên một cách ai oán như thế.
Ta có thể cảm nhận tiếng đàn Quảng Lăng Tán qua tâm trạng của Kê Khang ngày đó rồi. Muốn cảm nhận được tiếng đàn của khúc Quảng Lăng Tán. Trước tiên ta phải biết và hiểu được có sự "tiềm sát" trong Dao Cầm đã. Từ đó mới có thể nhận ra âm thanh nhịp điệu đó diễn đạt sự tuyệt vọng của kẻ đang đứng trước cái chết.
...Khổ chủ lựa dây "điểm ngón" dạo đầu, với trạng thái tự tin của một sát thủ vờn mồi bằng "Cung Thương"! Đặc biệt khí sát được thể hiện cuối khúc dạo đầu rất mạnh.
Tiếp đến, tiếng Dao Cầm dẫn dòng suối nguồn từ cao sơn đổ về... Chợt âm thanh của dây sát vang lên đột ngột với âm Vũ (Vũ Khí)... tựa hồ ngọn thác đổ chụp xuống huyệt sâu. Đàn thủ thoáng ngạc nhiên bởi dây Vũ không đứt! Âm điệu lại cho thấy đàn thủ so dây chuẩn âm khí lại... Tiếng đàn thể hiện chủ nhân đã dụng âm Cung nén sát khí vào Huyền Vũ đến đỉnh tột độ rồi đột ngột hạ thủ chặt dây... Vẫn không đứt!?
Điệu nhạc nghe ra vẻ hoang mang khi đàn thủ so dây chuẩn âm lại, rồi điểm huyền sát, định uy lực nơi âm Cung ngập ngừng 2 lần vẫn không thấy biểu hiện gì? Có chiều nghe ra Cung Huyền như nghẹn vướng!
Sau đó là diễn tả tâm trạng hồ nghi, Có âm thanh liên tiếp điểm ngón, gặng dây đàn bằng âm Chủy, nhưng dây vẫn rắn rỏi, kiên cường!
Xóa âm, dạo điểm lại... âm bộ.
Rối chủ có phần loạn tâm hơn với thủ pháp chọn âm chuẩn nơi Cung Thương. Rồi khẳng định hỏa lực vào tại Chủy pháp!?... Không thể nào!?
Cao trào cuồng loạn khi nộ khí được kích dồn dập vào âm Chủy tam điệp, với một nhiệt lượng lên đến cao độ... Đàn vẫn không đứt dây?? Ngay lập tức Đàn thủ trở nên bấn loạn, bứt dây, cào cấu khắp ngũ huyền một cách thảng thốt.
Lại Xóa âm...
... Chọn lựa, lần tìm từng dây một để nhận định cung điệu lẫn âm "Sát". Rõ ràng Quảng Lăng Tán thuộc cung Thương kia mà!? Tuy có nghi ngờ nhưng khổ chủ vẫn điểm ngón hạ sát vào Giốc Huyền vài lần... Không xong. Kiểm âm... Âm pháp có phần bấn loạn. Tiếng âm điệp dồn dập cố bứt tất cả các dây vẫn không đứt!!
Xóa. Bứt..., tìm..., lạc... tán khúc.
Quãng hai, âm thanh dìu tâm trạng nhẹ dần, bình tâm trở lại. Sau đó lại rối loạn và..., gắng ý bứt dây vẫn không được. Âm Thương chợt ra chiều ai oán... dần. Rồi Đàn thủ cũng đành hủy Thương Huyền làm âm sát cuối cùng. Tiếng âm điệp dồn dập cố bứt tất cả các dây vẫn không đứt!!
Kết khúc; Âm điệu hoảng loạn vang lên tột độ với âm thanh nghẹn khàn đục của các dây đàn bị nén, ép cho đứt một cách hoảng loạn trong tuyệt vọng.
Đó là ý nhạc của khúc Quãng Lăng Tán đã thất truyền trên pháp trường ngày đó cùng Kê Khang. Dựa trên gợi ý này, ta có thể tìm nghe lại khúc Quảng Lăng Tán... để đồng cảm cùng Kê Khang.
...
Điểm lại thì:
Vua Thuấn, Nhiếp Chính và Kê Khang đều sở hữu cây Dao Cầm có 5 dây. Đây là nguyên bản gốc vốn có của Dao Cầm. Hoàng Đế và Văn Vương dụng 6 dây. Ngoài ra, tất cả những ai còn lại đều là 7 dây cả thảy. Vì thế nên Dao Cầm có nguy cơ tán khúc mất rồi.
Qua đó ta thấy được rằng; Bản tính của Dao Cầm vốn là để tấu lên hòa khúc nhịp điệu của muôn loài, vạn vật cùng vũ trụ. Tính hiếu sát của Dao Cầm là do chính Hoàng Đế tạo ra bởi tham vọng của mình. Tuy thế; Kể cả Hoàng Đế, vẫn chưa có thể hiểu nổi những giá trị nào, còn tiềm ẩn trong cây Dao Cầm này cho được! Từ đó khiến nên dẫn đến sự việc hậu thế nối dõi cứ mãi vấp ngã rất oan khốc.
Ví như:
Nếu biết cũng như có thể hiểu được phần nào đó về Dao Cầm thì: Không nên nỗi Văn Vương, Khổng Tử, Bá Nha nối nhau khúc vô tình mà hại thân bằng. Cao Tiệm Ly có khá hơn chút ít. Nhưng cũng lại "ép tử" bằng hữu và bản thân mà lại không thể "bứt tử" được kẻ thù! Xét đến Nhiếp Chính và Kê Khang. Cả hai tuy đạt đến đẳng cấp lay động muông thú vẫn không hề biết được lý tại Ngũ Huyền mà ra. Nếu không thế, sao lại có việc dám cả gan dùng tiếng đàn Dao Cầm mà hòng ủ mưu hành thích.
Khúc Quảng Lăng Tán đã tố cáo khổ chủ một cách hùng hồn nhất cho sự kiện này.
Tôi khẳng định chỉ riêng Chiêu Quân là có thể được xem là ngoại hạng đối với tuyệt kỹ Dao Cầm mà thôi. Tuy nhiên, đó là so với những ai xưa nay từng đàn Dao Cầm trong lịch sử cũng như văn hóa của Trung Hoa tính riêng. Bởi họ vốn có mắt mà không tròng suốt chiều dài lịch sử. Điển hình như Chiêu Quân tài sắc vẹn toàn như thế chẳng hạn. Ngay cả như một Hán Đế cũng chỉ tiếc cái nhan sắc của Chiêu Quân khi đã nhìn thấy mà thôi. Họ đâu có thấy được cái tài mà Chiêu Quân đang sở hữu cho được. Nhà Hán càng không thể nào hiểu rằng: Chính tiếng đàn đó của Chiêu Quân, đã ru tham vọng của Hồ Bang, vui với yên bình cùng muông thú nơi thảo nguyên. Không hề vì sắc của Chiêu Quân mà quên dấy binh bao giờ cả.
Và xét đến giai đoạn đương đại...
Khúc "Tiếu Ngạo Giang Hồ" của Kim Dung có phần ngạo mạn đấy. Nhưng điểm lại ngàn xưa qua... Quả nhiên khúc Tiếu Ngạo có quyền cười ngạo tất tần tật như thế thật. Nhưng chớ có ngạo mạn mà lại phải học lại câu "trèo cao té đau" trong lịch sử văn hóa của người Việt vậy.
Xét chi tiết mà khiến Kim Dung dám phát biểu câu "tiếu ngạo... ". Bởi nguyên do đã đưa Tiêu Khúc vào tấu cùng Dao Cầm. Lại còn Ngao Du sơn thủy cho được gọi là đủ.
Bởi đó chính là bản giao hưởng: Tiêu - Dao - Du muôn thuở của Hóa Công nơi tòa Bắc Đẩu. Tuy nhiên xem ra... Đó chẳng qua chỉ là tầm nhìn trong đáy mắt của Hà Bá đối với Hải Vương mà thôi.
Kìa! Nơi đầu nguồn lịch sử cho thấy:
Hoàng Đế vẫn chưa có thể hiểu cũng như sử dụng được những tuyệt kỹ còn tiềm ẩn trong Dao Cầm!! Vậy yêu cầu được đặt ra là đòi hỏi ta phải truy nguyên nguồn cội của Dao Cầm, tính từ giai đoạn huyền thoại của Hoàng Đế, ngược trở về quá khứ hồng hoang.
Đó là thời điểm sau "Không Giờ", trước buổi bình minh của huyền thoại.
Và điều phải đến, đang dần đến...
Vào khoảng 6000 năm trước... Ở vào giới hạn của giai đoạn mà ta có thể hình dung qua lăng kính văn hóa Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ!
Trong buổi bình minh của thời kỳ hồng hoang. Do yếu tố thời gian luôn xóa nhòa mọi ranh giới trong chu kỳ thứ tư! Bất kể tính tới tương lai hoặc trở về quá khứ. Điều này khiến nên mọi tư duy nơi đỉnh cao của nhân loại, cũng khó lòng phân định tỏ tường mọi sự việc cho được. Tuy nhiên có một quy luật là; Chân lý và sự thật mãi mãi vẫn còn đó. Chẳng qua những chân lý cũng như sự thật đó bị huyễn mị, lẫn lộn và chôn vùi bao gồm vô ý và cố ý.
Ta sàng lọc những sự kiện đó như sau:
Trong tất cả những cuộc tranh cãi về thuở ban đầu xưa nay từ các nhà sử gia, học giả nói chung. Luôn luôn có 3 yếu tố nổi bật lên trên hết mà hầu như không ai nhận ra được như:
Thứ nhất; Bộ tộc Phục Hy với họ Khương.
Thứ hai ; Bộ tộc Hoàng Đế với họ Công tôn.
Thứ ba ; Bộ tộc Xi Vưu với họ Hồng Bàng.
Rõ ràng ba bộ tộc này là hoàn toàn tách biệt ngay từ thuở bình minh của lịch sử khu vực giao tranh này. Khởi thủy, Hoàng Đế vốn là người Mông Cổ. Họ sống du mục, săn bắn khắp trên toàn miền quá khứ đó, nên mới có việc tràn qua xâm lấn các bộ tộc nông nghiệp định cư là Phục Hy. Họ còn có "ký gửi" danh khác trong ngăn kéo niên giám lịch sử khu vực này là Hoa Hùng. Lịch sử chép; Khi Hoàng Đế dứt được dòng của tộc Phục Hy vào thời Thần Nông. Ta xem xét thì thật ra trong trận chiến khởi sử đó là trận Phản Tuyền. Trong trận này thì Đế Du Võng, thuộc đời thứ 8 của Thần Nông bại trận chứ không phải là Thần Nông. Đến đây thì chấm dứt dòng Thần Nông là dõi tộc của Phục Hy.
Ta thấy sử có chép lại là: Khi hoàng Đế cử binh đi đánh Xi Vưu. Có hội chư hầu ở Cối Kê! Chư hầu ở đây có nghĩa là dòng tộc của Thần Nông đã được thu phục trước đó. Và sau khi đã định được Xi Vưu, gồm thâu thiên hạ về một mối. Dĩ nhiên đã là dân một nước thì:
Ba họ kia có thể kết giao, qua lại và hòa huyết với nhau là lẽ đương nhiên. Nếu họ Khương của Phục Hy hoặc họ Hồng Bàng của Xi Vưu gả con cho họ Công tôn của Hoàng Đế thì gọi là Hoa Trung. Ý tại "trung hòa" giữa hai tộc của Phục Hy và Xi Vưu mà ra. Bằng như họ Hồng Bàng cưới về thì gọi là Hoa Hạ. Còn họ Khương cưới về thì được gọi là Hoa Thượng. Cho nên ta thấy:
1. Họ thuộc về Phục Hy = Hoa Thượng.
2. Họ thuộc về Hoàng Đế = Hoa Trung.
3. Họ thuộc về Xi Vưu = Hoa Hạ.
Gốc của từ nguyên Trung Hoa là từ Trung Hòa mà ra. Diễn giải của giai đoạn này, cho chúng ta biết được sự lầm lẫn từ ngàn xưa đến nay của tất cả các sử gia cũng như học giả về Trung Hoa. Gốc phát tích được tính từ Núi Thái Sơn. Dòng bên tả hình thành nên dòng Dương Tử, vốn là nơi mà dòng Xi Vưu định cư. Dòng bên hữu là Hoàng Hà, là nơi sinh sống của dòng Phục Hy. Và Hoàng Đế thống nhất, lấy đồng bằng Trung Nguyên làm bản địa. Từ đây ta xét; Nếu một số học giả cũng như sử gia cho rằng người Việt sống ở bờ nam sông Dương Tử. Thì người Hán phải sống ở về phía bờ bắc sông Hoàng Hà mới đúng. Do Tính từ bờ Bắc Dương Tử và bờ Nam Hoàng Hà là do tộc của Hoàng Đế cát cứ, thuộc Trung Nguyên của người Trung Hoa vốn là Mông Cổ chứ không phải người Hán. Vấn đề này phải chờ hội đủ những yếu tố chứng cứ sắp đến nữa. Sau đó tôi sẽ trình bày rõ ràng hơn về những xuất xứ cội nguồn bị lầm lạc. Bởi dòng đề tài này, đang bàn đến vấn đề của cây đàn Dao Cầm, nên có tính liên quan. Liên quan đến một giá trị thực tại kinh thiên động địa hơn, vốn đã bị vùi lấp từ ngàn xưa qua. Hôm nay, nhất định phải được phơi bày tất cả trước kỷ nguyên mới để; Định lại nền móng mới.
Việc gì đến ắt phải đến. Không sớm thì muộn, thời gian nhất định phải thực thi trách nhiệm đó. Và hôm nay, tôi đưa huyền tích của cây đàn Dao Cầm như sau:
Thuở hồng hoang...
Xi Vưu vốn là thủ lĩnh của bộ tộc Tam Miêu. Bản tính vốn phiêu bồng, ngao du sơn thủy. Tài nghệ của Xi Vưu trong giai đoạn đó, đã được khắp nơi suy tôn là Chiến Thần (Thần Chiến Tranh). Một anh hùng cái thế trong thời kỳ đó. Điều này, mãi đến hôm nay; Cận bang Hàn Quốc lẫn Nhật Bản vẫn công nhận và suy tôn. Trong những tháng ngày lãng du trong huyền sử, Xi Vưu thường sở hữu bên mình một nhạc cụ được gọi là Tiêu Khúc.
Dĩ nhiên với một lãng tử như thế, những khúc tiêu thường vang lên trên toàn miền lịch sử, vào những đêm trăng thanh để trải lòng nơi viễn xứ... Một tuyệt cảnh phiêu bồng, "sắc nét". Điều sắc nét này, hoàn toàn làm lu mờ hình ảnh khắc họa tay cao bồi với Harmonica của miền viễn tây, là ăn chắc.
Thuở gây hình, Thiên Tạo đã dựng nên một kiệt tác của thiên nhiên là; Tạc cho một bộ tộc khác sở hữu cây đàn Dao Cầm! Một bộ tộc của một dòng người Tiên! Đó chính là bộ tộc Cửu Lê, với vị thủ lĩnh là Tiên Huyền Nữ! (Cửu Thiên Huyền Nữ). Hóa công khéo lá lay, bày đặt cho tiếng Dao Cầm của Tiên Huyền Nữ, khéo rơi vào tai của kẻ lãng tử Xi Vưu trên dọc nẻo miên du... Không phải bức tranh tả cảnh... trai anh hùng gặp gái thuyền quyên nữa. Mà là một bức tranh siêu thực của chiến thần và tiên nữ! Hiển nhiên, chiến thần phải xiêu hồn, lạc phách theo tiếng đàn của tiên nữ thôi. Điều đó ta dễ biết và quen gọi với hai từ khó hiểu: Định Mệnh.
Và rồi việc sẽ đến là Khúc Tiêu của kẻ lãng du, trong một họa cảnh của buổi bình minh, lại vẽ thêm nét trăng thanh của quá khứ! Đã hòa Điệu Dao Cầm với Tiên Nữ là ý thiên định. Sự hòa duyên thiên định đó, đã sinh ra dòng Bách Việt trong cội nguồn lịch sử xa...
Nguyên nhân trên đây chính là nguyên do tại sao sử sách cứ không nhất định được; Khi thì cho Xi Vưu là thủ lĩnh Tam Miêu, lúc lại gọi là thủ lĩnh Cửu Lê. Họ cứ tranh cải nhau mà không biết cội rễ này. Tất nhiên Xi Vưu là thủ lĩnh của bộ tộc nào cũng đều đúng cả.
Khi Hoàng Đế thôn tính dứt Thần Nông. Hoàng Đế đã phát hiện ra những giá trị vô giá của hai bộ tộc này, rơi rớt trong bộ tộc của Thần Nông từ Phục Hy "chép lại". Một trong những giá trị đó có cây Dao Cầm. Đó là lý do mà Hoàng Đế đã ôm tham vọng lẫn mưu đồ đánh chiếm Xi Vưu.
Thế nhưng, vì nguyên cớ nào mà Hoàng Đế dám cả gan dấy binh đối địch cùng một vị Thần Chiến Tranh như thế!? Điều này tôi sẽ trình bày minh bạch, chi tiết trong một chủ đề khác. Một di bảo của dòng Bách Việt mà Hoàng Đế bằng bất kỳ giá nào cũng phải chiếm lĩnh cho bằng được. Riêng chủ đề này thì chỉ bàn về cây đàn Dao Cầm mà thôi. Bởi tính liên quan, nên có ít nhiều phải đả động đến.
Và Hoàng Đế đã lập mưu khống chế Tiên Huyền Nữ, chiếm đoạt cây Dao Cầm để hòng chiêu dụ Xi Vưu. Do tính lãng tử cũng như tiếng Dao Cầm làm say hồn Xi Vưu mà nên duyên ngày đó mà ra. Lịch sử sau này có mô phỏng lại trong giai đoạn của giống nòi từ Xi Vưu là: " Ta vốn là giống Rồng, nàng vốn là dòng Tiên, rất khó sống chung lâu dài với nhau được...". Bởi nguyên do đó, nên mới có cơ sở để Hoàng Đế lập mưu giam cầm được Tiên Huyền Nữ, thừa lúc Xi Vưu vắng bóng.
Chúng ta, người Việt hôm nay. Nhất định không được phép quên rằng: Tướng tinh của Xi Vưu vốn là Long Thần (Thanh Long). Và tướng tinh của Tiên Huyền Nữ vốn là Thần Quy (Huyền Vũ). Hai linh vật tạo nền móng vũ trụ. Thật bất hạnh thay cho những ai là kẻ đã từng bị lạc mất cội nguồn giống nòi đó. Hôm nay nhất định phải nhìn lại, để phải đứng thẳng, và phải hơn nữa; Vươn vai gánh vác non sông, đối đầu trong thiên hạ mà đón vận hội mới của dân tộc.
Kể từ giai đoạn này của những luận giải đã được trình bày. Chúng ta có thể suy diễn tiếp như sau:
Xét về Chiến Thần Xi Vưu; Phàm là một du thần lãng tử. Thân cưu danh Chiến Thần mà mọi người suy tôn. Vai đeo mang Tiêu Khúc, đỉnh đầu chải tuyết sương, gót chân lướt gió phiêu bồng. Ắt đó không phải hình bóng của một ác thần cho được. Lại càng không hề có khái niệm giả danh cho một mẫu đức tính như thế bao giờ cả. Nhạc, vốn chỉ xuất phát từ những tâm hồn bay bổng hòa cùng cái đẹp của tâm hồn lẫn vạn vật trong vũ trụ. Nhất là khi kết giao cùng Tiên Huyền Nữ của tộc Cửu Lê. Cái lý của "tạo vật" được thể hiện ra ở hai nhạc cụ là Tiêu Khúc và Dao Cầm rồi. Và "tạo nhân" ở Chiến Thần và Tiên Nữ. Với tất cả sự tổng hòa chân - thiện - mỹ đó, vốn được kết se từ bàn tay của Tạo Hóa.
Nên kết luận đó đã được lịch sử định nghĩa với hai chữ Thần Tiên.
Ta xét thấy âm điệu của cây đàn Dao Cầm, chỉ với một mục đích là tấu lên sự hòa điệu của muôn vật trong cảnh yên bình mà thôi. Năm dây đại diện tính của ngũ hành mà ra. Ngũ Hành vốn lại là 5 điều kiện để sinh thành vũ trụ vạn vật.
Điều này phản ảnh Khúc Nam Phong mà vua Thuấn đã từng dụng để trị nước. Ta xem sử đã ghi rằng Khúc Nam Phong đã khiến nước thịnh trị thái bình đến đỗi: Người đi, thú dữ phải nhường đường. Tối, chó không tiếng sủa. Ngày nắng, đêm mưa. Lúa trổ hai gié... Ta thấy tiếng Dao Cầm đã khiến con người, muông thú, cỏ cây, khí hậu nhất lượt hòa điệu hóa công trong nhịp sinh hóa diễn đạo. Đến Nhiếp Chính và Kê Khang về sau, có muốn khởi ác ý từ Dao Cầm, cũng đành phải thất vọng mà không hiểu được nguồn cơn.
Cái ác mống tiềm ẩn trong Dao Cầm lại có xuất phát mộng từ ác vọng của Hoàng Đế gửi vào dây Sát là dây thứ 6 mà ra cả thôi. Tuy nhiên, khi đạt được tham vọng ngày đó. Ta Thấy Hoàng Đế cũng có chiều hối hận, nên đã tháo dây thứ 6 ra mà giấu đi rồi. Điều này phản ảnh ở cây Dao Cầm mà Nghiêu đã tặng cho Thuấn. Cùng với lời dặn dò thế hệ mai sau từ Hoàng Đế là phải lo cho Lê Dân! Lê Dân ở đây ý là ám chỉ vào Dân tộc Cửu Lê. Sở hữu chủ của Cây đàn Dao Cầm nơi Tiên cõi. Một oan khốc lay chuyển cả thiên tâm địa dạ. Khiến nên nẻo đạo phải phủ mờ, lạc lối chân lý suốt bao ngàn năm trôi.
Điều bi ai đong đầy đau thương hiện nay ở chỗ: Đối với dòng Âu Lạc; Một đại đa số người Việt hôm nay, không biết Xi Vưu là ai! Một tiểu thiểu số có biết. Nhưng họ dường nghi hoặc, lại dường mơ hồ hơn, về vị Thần Nhân này trong lịch sử!! Cả thế hệ thiếu niên, thậm chí thanh niên đương đại, xem Xi Vưu là một ác thần!!! Qua những sách tóm tắt rồi trò game trong thế giới mạng có mã nguồn gốc Trung quốc đang gây sai lạc cho tư duy quan điểm của giới trẻ; Trong game nhập vai Hoàng đế tìm mọi cách truy lùng ác thần với bất kỳ giá nào!? Thật tai hoạ.
Tôi khẳng định rằng:
Cây đàn Dao Cầm đó chính là di chỉ của giống nòi Rồng Tiên, đã trao truyền về tới thế hệ Âu Lạc Việt trong Bách Việt tại thời điểm đương đại. Khúc Tiêu Dao đó của dân tộc, sẽ được tấu lên những giai điệu thái hòa trong kỷ nguyên mới. Điều đó minh chứng rằng; Dao Cầm chính là di bảo của nòi giống này. Chưa một ai xưa nay, đủ để tấu lên những tuyệt kỹ Tiêu Dao tiềm lạc đó.
Một sự kiện điển hình, bước ra từ huyền sử, minh chứng:
Thạch Sanh, một di dõi thuộc dòng Âu Việt, đã từng; Bãi binh 18 chư hầu! dưới ngón đàn Dao Cầm trong quá khứ lâu của nền Việt sử xa.
Để trước lúc phục khởi được tiếng đàn Dao Cầm cất lên khúc khải hoàn cùng chân chủ dòng Tiên Rồng. Ta nhất định phải biết âm thanh để kết tạo nên bản cộng giao Tiêu Khúc Dao Cầm đó vốn từ tinh hoa của Kinh Dịch. Một Thiên Bảo mà Tạo Hóa đã trao cho Người Việt vào một trong những buổi bình minh, thuở Người gây hình tạo hóa. Và những giá trị thực tại tiềm ẩn trong Kinh Dịch, chưa một ai đủ để hiểu được tận thời điểm hôm nay.
Loạt bài sau, tôi sẽ vì oan khiên của giống nòi ngàn năm. Quyết quét sạch rêu bụi, phủ lấp chân giá trị của Kinh Dịch suốt hàng ngàn năm qua.
Kết luận:
Trên bình diện địa cầu: "Chỉ có duy nhất Dân Tộc Kinh, mới đủ khả năng Khảo Kinh mà thôi!". Đó là Thiên Định.
Bởi; Ngày phán xét, đã đến...
Chúng ta đã manh nha biết được một phần nào đó về cội nguồn lịch sử của Dân Tộc Việt Nam qua tiếng vọng của Dao Cầm.
Và trong loạt ký sự tiếp theo với chủ đề là Kinh Dịch. Một lạc thư, vốn lạc mạch và đang tìm về lạc chủ! Đó chính là cái lý của sự "quy hồi", hoàn toàn đồng nghĩa với hai từ; Thần Quy! (theo một cách hiểu nào đó, tùy thuộc tư duy độc giả).
"Thương thay thân phận con rùa
Xuống đình cõng hạc, lên chùa đội bia" !.
Tiếng vọng ca dao với âm thanh bi ai từ giống nòi Thần Quy! Câu thơ ca này đã vang vọng, xuyên rách bao trang sử khuất trong dạ trường tăm tối suốt ngàn năm. Ở đây tôi chỉ tạm bàn lướt qua như là... Xuống đình là nơi vốn chỉ thờ Thần, lại có vẻ cõng Hạc nơi Tiên cõi! Lên chùa là chốn để cúng Phật, lại ra chiều đội bia chốn trần tục!!. Bởi bia ấy vốn chỉ để ghi danh tiến sĩ mà thôi! Thiên tượng mong mặc định cho những thế hệ tương lai... nào đó (!?). Nếu thuộc dòng dõi Thần Quy, mong một ngày; Cái học con cháu đủ rộng, để minh oan cho tổ tiên trong quá khứ phải chịu nhiều oan khốc muôn đời vạn kiếp qua. Vậy mà biết bao thế hệ tiếp nối thế hệ... Có may mắn tránh được bia đá ngàn năm dãi dầu cùng năm tháng, cũng khó tránh được bia miệng trăm năm của Nguyễn Khuyến mà trơ theo với thời gian?! Những tiến sĩ giấy, tiến sĩ đá đó. Dù muốn dù không, cũng đành hóa thoái sĩ của ngày hôm qua mất cả rồi. Rất đỗi bi ai...
Và kẻ sĩ đương đại, có một vài ký sự giải bày như sau:
Hạt nhân cơ bản, hội đủ năng lượng yêu cầu..., gia tốc cho tham vọng của Hoàng Đế ngày đó dựa vào mà dám cả gan; Vuốt ngược vảy rồng dưới yết hầu của chiến thần Xi Vưu, chính là Kinh Dịch!
Ta phải biết Tiêu Khúc của chiến thần Xi Vưu ngày đó, dựa trên nền tảng của Tiêu Phổ là một phần của Kinh Dịch. Vì Liên Sơn Dịch chính là một áng thiên thư mà Tạo Hóa đã tạc trên mình của Thần Xi Vưu trong ngày thứ tư, khi Người thiết kế mô hình không gian vũ trụ tự nhiên.
Như tôi đã có từng diễn tả qua trong đoạn cuối của Dao Cầm. Lãng tử Xi Vưu thường ngao du trên toàn miền quá khứ hồng hoang đó, không phải chỉ ở "ao nhà" tại địa phương định xứ của dòng Dương Tử. Điều này phản ảnh trong một lần mà Xi Vưu đáo xứ muôn phương và xuống tắm trên dòng sông Hoàng Hà. Phục Hy đã "chép lại" được trên lưng của Xi Vưu bức đồ Liên Sơn đó.
Tôi cũng nhất thiết phác họa, lưu thêm nét ý, chúng ta cùng nghị lãm:
Bức họa của thuở hồng hoang có nét, vẻ như thế này... Các bộ tộc nguyên thủy thường tìm nhau chốn ban sơ bằng những âm thanh của những tiếng hú dài gọi nhau. Về lâu sau, tiếng gọi của bộ tộc Phục Hy phát triển thành tiếng Tù Và, được thiết kế từ sừng trâu. Tiếng gọi của bộ tộc Xi Vưu vốn có tiếng Tù Và đã chế tác bằng vỏ ốc của biển cả. Tiếng gọi của bộ tộc Hoàng Đế lại là tiếng được tạo ra từ khúc tre và gọi là Tiêu Khúc! Ba "âm cụ" này phản ảnh tính riêng biệt của văn hóa bản - sắc - thể của từng vùng miền khi đó. Cũng bởi tính phiêu du mà trong một lần ngang qua xứ Hữu Hùng. Lãng thần Xi Vưu đã trao đổi Tù Và ốc (Tiêu Ốc) với Tiêu Khúc của một dòng luân di trong bộ tộc Hoàng Đế. Cũng chính điều này mà Hoàng Đế phát hiện Xi Vưu xiêu hồn lạc phách trước tiếng đàn Dao Cầm của Tiên Huyền Nữ mà âm mưu bày kế nhốt Tiên Huyền Nữ. Rồi biến tiếng Dao Cầm thành chiến cụ chiêu dụ và hàng phục Xi Vưu trong trận Trác Lộc.
Thường thường..., khi ta mới tiếp cận Kinh Dịch. Luôn luôn, thể dụng đầu tiên được xem xét và ứng dụng phải là Y Học. Đây cũng chính là lĩnh vực duy nhất, mà thế nhân chúng ta ứng dụng được từ Kinh Dịch một cách nghiêm túc nhất, từ chính thể của Kinh Dịch. Chính vì nguyên do này mà ta thấy đến đời Thần Nông. Thần Nông chính là vị thầy thuốc khởi thủy của nhân loại, khi ông tiếp cận Kinh Dịch. Cổ sử còn ký dấu lưu trữ; Thần Nông đi thử thuốc, một ngày đã bị trúng độc 72 lần cả thảy!
Đến khi Hoàng Đế đánh chiếm bộ tộc này. Hoàng đế phát hiện những giá trị của Kinh Dịch đang được bộ tộc Thần Nông khai thác (Ta cũng sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng Hoàng Đế lúc tiếp cận Kinh Dịch cũng lập tức làm ra bộ Hoàng Đế Nội Kinh ngay thôi). Kể từ đó, Hoàng Đế rắp tâm phải chiếm cho bằng được Kinh Dịch của Bộ Tộc Xi Vưu bằng mọi giá. Vì thế Kinh Dịch mới là nguyên nhân chính, khiến cho Hoàng Đế thôn tính Xi Vưu. Thế nhưng, nếu muốn thôn tính được Xi Vưu, đang là một Chiến Thần lẫy lừng khi đó. Hoàng Đế nhất định phải có được những điều kiện mà Hoàng Đế trước đó, đã âm thầm chiếm được từ Bộ tộc Cửu Lê như những gì trình bày tiếp đến là:
Xét riêng về bộ tộc của Tiên huyền Nữ. Nếu như ngày Tạo Hóa tạc cho Xi Vưu bộ Liên Sơn Dịch thì Người lại tác lập cho Tiên Huyền Nữ ở tộc Cửu Lê bộ Quy Tàng Dịch. Chính vì Hoàng Đế chiếm được sách lược Quy Tàng từ Tiên Huyền Nữ, nên mới dám ôm mộng thôn tính Xi Vưu. Ta có thể suy thấy điều này từ những trang sử hiếm hoi ngày đó còn rơi rớt lại như sự việc:
Một trong những sách lược quan trọng mà Hoàng Đế dụng để giao tranh cùng chiến thần Xi Vưu là 13 Thiên Lục Pháp Cô Hư. Sử sách còn ghi lại là 13 Thiên Lục Pháp Cô Hư này chính bởi Phong Hậu lập ra. Để Phong Hậu lập được 13 thiên đó, có nguyên nhân từ sách của Hoàng Đế đưa cho! Vậy Hoàng Đế từ đâu mà có được sách ấy?! Và sách ấy là sách gì? Lại ở đâu đó... Dưới lớp bụi dày của thời gian, lẫn khuất trong các dòng sử lẻ loi còn sót lại: Hoàng đế bảo rằng... Sách đó là của Cửu Thiên Huyền nữ tặng cho Hoàng Đế! Luận khảo đến giai đoạn này thì chúng ta không cần phải đặt câu hỏi Cửu Thiên Huyền Nữ là ai nữa rồi vậy. Mọi chứng cứ đã "lạy ông tôi ở bụi này" mất rồi. (Quả! Không hổ danh là con cháu của Tô Hiến Thành).
Cửu Thiên Huyền Nữ chính là Tiên Huyền Nữ, thủ lĩnh của bộ tộc Cửu Lê. Sao lại có chuyện Tiên Huyền Nữ lại đi "tặng" sách của mình cho kẻ thù để thôn tính chồng của mình cho được?! Thật khôi hài. Bởi đây chính là câu nói dối kỳ vĩ nhất trong khởi đầu lịch sử của nhân loại. Tuy nhiên chính câu nói này lại là minh chứng không thể chối cãi được là Kinh Dịch vốn là của dân tộc Việt.
Như ta đã thấy; Kinh Dịch được ứng dụng thành - công - quả nhất, chính là Y học. Sau đến nữa là Quân sự. Ngoài 13 Thiên Lục Pháp Cô Hư của buổi ban đầu, còn có:
1. Thái ất Thần Kinh.
2. Kỳ môn Độn Giáp.
3. Lục Nhâm Đại Độn.
Và lĩnh vực cuối cùng đó chính là Phong Thủy. Phong Thủy ở đây là Phong Thủy đại cuộc. Là Thiên Đô, là xem thịnh suy của một dân tộc, tồn vong của một quốc gia. Không hề là dạng phong thủy cầu cơm bao giờ cả. Riêng về việc bói toán là phản ảnh đã bế tắc trong khả năng dụng Dịch rồi vậy. Bởi nó phản ảnh ở do sự không hiểu, ắt dẫn đến chiêm..., nghiệm..., suy..., diễn... vân vân và v.v... Tôi khẳng định; Kinh Dịch vốn không phải là sách để bói toán.
Ta xem xét kỹ càng lại cái gọi là "Thuyết Dịch". Trong đó mô tả Phục Hy đóng vai trò như một "quan sát viên". Đã quan sát "vật bị quan sát" là vạn vật trong quá khứ không - thời gian đó như sau:
"... Ngẩng lên xem tượng trời, cúi xuống xét thế đất... Gần thì lấy ở thân mình, xa thì lấy ở vạn vật... Và rồi Người chợt "nhìn thấy" trên lưng của con Long Mã có 55 dấu điểm trắng đen, liền "chép lại"!.
Ta thấy; Phục Hy đã photocoppy nguyên bản gốc có sẵn từ trên lưng của Long Mã chứ không phải tự làm ra như sự "cố nhận" xưa nay. Trong giai đoạn này (sau Hoàng Đế, tính từ Chuyên Húc cho tới đế Nghiêu), ta xét thấy sử vẫn thường hay tả về một tộc ở Phương Cấn hoặc Quỷ Phương. Đó chính là lãnh địa khởi nguồn khi xưa của Nước Xích Quỹ thuộc bộ tộc Xi Vưu. Liên Sơn dịch cũng thể hiện nguyên lý quẻ Cấn làm khởi đầu là vì thế. Sau dần, do chuyển vận lý khí của Càn Khôn, nên mới chuyển đến cung Tốn làm định xứ như hiện nay. Sử của Trung Quốc vẫn còn ghi chép lại sự việc; Trong giai đoạn ấy, có xảy ra việc khắp nơi truyền tai cho nhau rằng; Trời đã giao ấn trời cho bộ tộc đó nắm giữ! Vua Nghiêu đã sai Hy Thúc (một viên quan chuyên đo bóng mặt trời để làm lịch ngày ấy), sang xem xét và Hy Thúc sau đó đã lăn Trống Đồng của Bộ Tộc này về, báo rằng: Họ nói ấn trời được khắc trên này!? Không một ai hiểu trên trống đấy nói lên điều gì cả! Mãi khi Khổng Tử ra đời mới có thể hiểu nổi!!
Cũng trong thời Vua Nghiêu, có xảy ra nạn lụt hồng thủy. Tính từ Hoàng Đế truyền xuống mới có 4 đời. Cho nên Vua Nghiêu biết duy chỉ có dòng Bách Việt của tộc Xi Vưu mới có thể đủ khả năng trị thủy so với hai dòng tộc Hoàng Đế và Phục Hy. Bởi vì Kinh Dịch là di chỉ sách lược vốn là của họ. Vì thế ta mới thấy Vua Nghiêu liền sai ông Cốc, thuộc trong nhóm Bách Việt, đứng ra nhận trọng trách trị thủy là tất yếu. Ông Cốc thất bại, bị phạt chặt chân để răn đe. Liền sai ông Khí là con của ông Cốc, tiếp tục thay cha mà trị thủy. Ông Khí rồi cũng như cha mà lo việc trị thủy không xong. Vua Nghiêu cũng xử phạt bằng hình thức móc mắt.
Giai đoạn này thì ngôi Vua đã được truyền qua đời của Vua Thuấn. Vua Thuấn vốn có gốc từ dòng của bộ tộc Phục Hy. Cho nên dòng của Bộ tộc Hoàng Đế truyền đến đời của Vua Nghiêu là dứt. Vua Thuấn lại tiếp tục sai con của ông Khí là Đại Vũ phải nối đời của ông, cha của mình mà tiếp tục việc trị thủy. Thời điểm này có xảy ra một sự kiện là; Ông Ích, vốn thuộc dòng chính của Tiên Huyền Nữ được truyền di ấn trong nhóm Bách Việt. Biết Đại Vũ tuy là thuộc tộc Bách Việt nhưng do không được giữ di bảo truyền đời nên không thể trị thủy được. Vì tương thân cùng giọt máu đào nên đã tương trợ Đại Vũ mà trị thủy thành công ngày đó.
Nguyên do, ông Ích đã cùng Đại Vũ đã theo dấu Thần Quy để khơi sông về biển. Quy Tàng Dịch là ấn trời đã khắc bức đồ đó trên lưng của Tiên Huyền Nữ mà ra. Trong khi tướng tinh của Tiên Huyền nữ vốn lại là Huyền Vũ (Thần Kim Quy). Dựa theo bức đồ đó mà ông Ích và Đại Vũ dò theo dấu Thần Quy về biển cả (Vu Quy). Cũng nguyên cớ đó mà sử chép; Đại Vũ khi khai sông trị thủy, đã thấy Thần Quy nổi trên sông Lạc mà chép lại bức Hậu Thiên Đồ là từ nguyên cớ này vậy.
Do công trị thủy ngày đó, cho nên Vua Thuấn nhường ngôi kế tục cho Đại Vũ. Đại Vũ vốn lại là một trong nhóm Bách Việt ngày đó từ bộ tộc của Tam Miêu và Cửu Lê. Tuy nhiên do Đại Vũ biết được công này là từ ông Ích mà ra cả thôi. Nên Đại Vũ có ý truyền ngôi kế tục lại cho ông Ích. Thế nhưng con của Đại Vũ là Khải, đã vì cớ đó mà giết ông Ích để chiếm quyền nối ngôi nhà Hạ từ Vua Đại Vũ. Chính sự kiện này mới xảy ra việc ông Tiết, thuộc anh em họ của ông Ích, nổi lên diệt Nhà Hạ mà mở ra Nhà Thương về sau này. Và mãi cho tới khi Vũ Vương mở ra Nhà Chu. Cơ nghiệp này mới trở về với tộc của Hoàng Đế. Bởi Chu Văn Vương vốn là dòng phả hệ thuộc Hoàng Đế.
Chúng ta tạm quay trở lại để xem xét những chi tiết có tính liên quan đến Kinh Dịch.
Ta xét thấy; Trong giai đoạn của Vua Đại Vũ là xem như Kinh Dịch đã được sinh thành trọn vẹn. Bởi cái gốc cội rễ của Tiên Thiên vốn từ cung độ của địa phương Cấn Quỷ. Cho nên sử sách chép Phục Hy nhìn vào thiên tượng đó mà cho rằng: Khí núi tỏa ra không bao giờ dứt, mới đặt tên là Liên Sơn Dịch. Bởi đó thuộc vùng trú xứ thiên số của Xi Vưu mà ra. Và Đại Vũ cũng dựa trên miền định quán địa phận của Tiên Huyền Nữ bao gồm toàn miền thổ Khôn mà cho rằng: Vạn vật vốn sinh ra từ đất và cuối cùng cũng trở về với đất, nên đặt tên cho Hậu Thiên Đồ là Quy Tàng Dịch.
Cho nên ta dễ dàng nhận ra:
Văn Vương mới chỉ có thể sử dụng quẻ bói Tiên Thiên từ thủ pháp "điên đảo" với cỏ Thi từ mộ của Phục Hy mà thôi. Trong giai đoạn Quy Tàng hình thành trong đời Hạ Vũ, nên tiếp tới Nhà Thương là lại đang mò mẫm nghiên cứu cách bói "mu rùa". Ví như họ dùng yếm rùa đốt trên lửa, sau đó nhìn theo vết rạn nứt trên yếm mà chiêm..., nghiệm..., suy..., gây rối loạn thiên hạ mọi sự. Để mong tiên tri dự đoán mọi việc không lấy đâu làm xác định cho được. Cái yếu tố xác xuất của mọi phương pháp bói, đều có xuất phát nguồn từ đây mà ra cả.
Như đã trình bày: Y Học phản ảnh không hề là sự rủi may hay xác xuất. Đó là thuốc để chữa bệnh cứu người một cách thực sự nghiêm túc. Vì thế, chữ " Đức" luôn hiện diện kèm theo để tán dương cho Y Học. Kế đến là quân lược. Những sách lược như; Thái Ất Thần Kinh, Kỳ Môn Độn Giáp, Lục Nhâm Đại Độn v.v... Không phải là nơi để mang sinh mạng của muôn vạn sinh linh ra để trông chờ vào sự rủi may bao giờ cả. Chúng ta cũng không lấy làm ngạc nhiên gì khi thấy Giáp Cốt Văn xuất hiện trong giai đoạn này. Bởi cũng từ những đường nứt từ trong bộ xương - giáp - yếm (giáp cốt) của rùa mà ra. Nó có dạng như chữ tượng hình, từ những vết nứt đó.
Cho nên tôi khẳng định:
Thuyết Kinh Dịch xưa nay mà ta đã được biết từ Chu Dịch, hoàn toàn chỉ là một Giả Lập Thuyết, không đủ nền tảng để đứng vững. Khiến nên xưa nay đã có một số rất đông học giả lẫn sử gia của Trung Quốc nghi ngờ; Kinh Dịch không phải là của người Trung Quốc, là có cơ sở chính đáng.
Như tôi đã có từng nói: Chỉ có duy nhất dân tộc Kinh (Kinh Việt) mới có đủ khả năng "Khảo Kinh" mà thôi. Bởi đây chính là di bảo truyền đời của chính dân tộc này. Dĩ nhiên tôi sẽ trình bày toàn bộ giá trị thật sự của Kinh Dịch còn đang tiềm ẩn ở phía sau đó ra ánh sáng trong nay mai. Để khẳng định chỉ có giống nòi này mới biết và sử dụng được toàn bộ nguyên lý của Kinh Dịch. Những giá trị đó xưa nay vẫn chưa có một ai lĩnh hội nổi. Tôi biết Lão Tử là người duy nhất hiểu chừng 70% Kinh Dịch. Trần Đoàn ước chừng 30%. Kỳ dư, chỉ được nước gây nát loạn Kinh Dịch mà thôi. Một học thuyết của dân tộc Việt Nam đã bị thất lạc từ ngàn xưa. Họ vẫn chưa có thể hiểu nổi Kinh Dịch từ hàng bao ngàn năm qua. Vì thế, tôi có lời khuyên những ai là người Việt đang học lại từ họ; Hãy cẩn thận tuyệt đối với Kinh Dịch. Đã đến lúc quy luật của thiên số, nhất định phải thu hồi Kinh Dịch về với chính chân chủ của nó.
Dĩ nhiên; Hồi sau sẽ rõ...
Và đó cũng là đề tài sẽ được đưa lên bàn phẫu thuật sắp đến trong bài kế tiếp, tính từ Chu Văn Vương. Người đã viết ra Chu Dịch như tên gọi hiện nay.
... Ánh bình minh của Kỷ Nguyên Mới dần ló dạng...
dienbatn giới thiệu. Xin theo dõi tiếp bài 5..
0 nhận xét:
Đăng nhận xét