Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Published tháng 11 02, 2017 by ana03 with 0 comment

CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC PHÁP SƯ VÀ HAI CÕI ÂM DƯƠNG. BÀI 23.

CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC PHÁP SƯ VÀ HAI CÕI ÂM DƯƠNG. BÀI 23.
NHỮNG NĂM THÁNG HỌC HUYỀN MÔN.
Từ phần này trở đi có tên gọi là NHỮNG NĂM THÁNG HỌC HUYỀN MÔN. Đó là những tháng ngày vô cùng vất vả, trải nghiêm đủ Hỉ- Nộ- Ái - Ố của dienbatn . Cũng đã qua từ lâu rồi , xin kể lại để các bạn cùng chiêm nghiệm . Thân ái. dienbatn. Loạt bài này đã đăng trên báo giấy : Tuổi trẻ và Đời sống .
PHẦN BA – THÀY CHÀM DẠY VÕ THẦN CHO DIENBATN.
( Trong phần bài viết này, dienbatn có sử dụng nhiều tư liệu của các môn phái Võ thuật và những tư liệu sưu tầm được . Để mạch văn được trơn chu , có thể có những tư liệu không được ghi nguồn. Mong các tác giả cảm thông. Xin trân trọng cảm ơn ). Dienbatn.

Theo đúng như đã thỏa thuận giữa 3 người Thày, Những tháng sau đó Thày Chàm bắt đầu dạy cho tôi về quyền thuật . Khác hẳn những môn quyền pháp mà ngày xưa ở trinh sát Lào (  Ít-xa-la  ) tôi đã từng được huấn luyện . Môn này ngày đầu tiên tới nhà Thày Bảy tôi đã từng được chứng kiến . Môn đó được gọi là “ Võ Thần “ hay “ Thất Sơn Thần quyền “. Để có thể học tới nơi , tới chốn môn võ này , thày Chàm quyết định đưa tôi về miền Thất Sơn – Châu Đốc. 
Nửa tháng sau , tôi đã xin nghỉ phép tại cơ quan và cùng thày Chàm xin phép ông , bà Bảy lên đường đi Châu Đốc . Hai thày trò được học trò của thày Bảy dùng xe hon da đưa ra bến xe Phước Vinh , cách nhà khoảng 10 km. Trời đầu xuân mà nắng tưng bừng khắp nơi . Lúc này các lò đường đã ngưng hoạt động , nhưng những núi xác mía còn trắng phau khắp nơi , bốc lên mùi ngòn ngọt , chua chua .Những vườn điều lúc lỉu những quả xanh , đỏ đung đưa theo gió sớm . Khu vực ngã ba Phước Vinh nằm trên lộ 788 thuộc ấp Phước Lợi, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Lộ 788 là một con lộ được trải bằng đất đỏ , trải qua thời gian mưa nắng và có nhiều xe Be đi qua nên thật là kinh khủng. Mỗi khi có một chiếc xe chạy qua là một vùng bụi đỏ chùm lên khắp nơi , nhìn ai nấy chỉ còn có đôi mắt hiện lên trên khuôn mặt bám đầy bụi . Thời gian này , mỗi ngày chỉ có vài chuyến xe đò đi lên Thị xã tây Ninh. Đợi chờ mòn mỏi , cuối cùng thày trò chúng tôi cũng yên vị trên băng ghế gỗ nham nhở của chiếc xe đò lở . Tới trưa trật chúng tôi mới tới Thị xã Tây Ninh . Hai Thày trò ghé quán bên đường ăn qua quít tô hủ tiếu và hỏi thăm mới biết ngày mai mới có xe về Sài Gòn . Thày Chàm dắt tôi đi thăm một khu di tích của dân tộc Thày ở gần đó. Hai thày trò mướn xe ôm đi thăm tháp Chót Mạt được phát hiện vào đầu thế kỷ XX, tọa lạc tại ấp Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh . Khu Di Tích Đền Tháp Chót Mạt, được xác định xây dựng khoảng thế kỷ thứ VIII sau công nguyên thuộc nền văn hóa Óc Eo, Tháp Chót Mạt được phát hiện chính thức cùng tháp Bình Thạnh (Trảng Bàng Tây Ninh) đầu thế kỷ XX.

 Khoảng năm 1775 khi Nguyễn Cư Trinh đánh lui Cao Miên , có chiêu dụ được một số người Chăm trước đó chạy loạn sang trú ngụ trên đất Miên . Ông dân sớ lên Chúa Nguyễn hiến kế “ tàm thực “ , xin dùng người Chăm để ngăn chặn người Miên . Chúa Nguyễn chấp nhận , ông liền cho cất đồn ải tại Tây Ninh , Hồng Ngự và Châu Giang rồi cắt dân Chăm làm quan trấn thủ . Họ có bổn phận ngoài công việc ngăn giặc , lo khai khẩn ruộng vườn ở miền biên ải xa xôi. Có lẽ tháp Chăm Chót Mạt được người Chăm cũng được thờ cúng và tu bổ vào thời gian này .
Tháp Chót Mạt được xây dựng trên gò đất cao giữa cánh đồng. Nhìn từ xa, đã thấy khu đền tháp Chót Mạt như một ngọn bút vươn lên giữa trời. Khi tiến đến gần, tháp càng bề thế hơn với phần móng tường và đế tháp rộng. Toàn bộ công trình được xây dựng bằng gạch khổ lớn và đá phiến, điều này khiến cho dáng vẻ của tháp Chót Mạt có nét tương đồng với các tháp cổ ở miền Trung.
Phần đỉnh tháp được xây nhọn dần lên, nơi cao nhất của đỉnh tháp đạt chiều cao 10m. Tinh xảo hơn là các lớp gạch xếp chồng lên nhau được xây dựng khít đến mức nắng gió thời gian cũng không thể tìm ra lỗ hổng. Ngoài ra, 4 mặt tháp xoay theo 4 hướng. Mặt vách chính vẫn quay về hướng Đông. Các vách còn lại được xây hơi nhô ra ngoài, được trang trí bằng các hình chạm nổi, thể hiện rõ nét nền văn hóa thời bấy giờ. Tháp xây bằng gạch có bình diện vuông 5m x 5m đỉnh tháp cao 10m mỗi chiều kiến trúc tháp đều bị hư hại mất gần 1/2 kiến trúc, hai mặt tường tháp ở phía Tây và Bắc hầu như bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn phần móng tường chân đế tháp, các hoa văn trang trí bị nứt nẻ chỗ còn chỗ mất. 
Tây Ninh có tất cả 9 xóm người Chăm: Phường 1 thành phố  TÂY NINH , Tân trung A, Tân trung B, Tân phú, ấp Chăm Suối dây, Tân Hội, Thạnh Thọ, ấp Cây Khế, Hội thanh. Người Chăm ở Tây Ninh nói hai thứ tiếng, khi họ nói với nhau thì dùng tiếng Chăm, khi nói với người Việt thì dùng tiếng Nam, dầu đến những đứa con nít cũng nói được hai thứ tiếng như vậy. Cả xóm không có một trường học nào. Cũng không có thầy riêng để dạy chữ Chăm cho nhau, hễ cha anh trong nhà nào biết chữ thì dạy cho con em mà thôi.Người Chăm có hai thứ tôn giáo, hoặc theo đạo Bà la môn, hoặc theo đạo Hồi .Thày Chàm cũng phàn nàn với tôi là vì không hiểu nên người Việt thường gọi người Chăm là người Chà Và. Hai dân tộc đó khác hẳn nhau . Người Chăm hay Chàm là những người có xuất xứ từ miền Trung , vì ảnh hưởng chủa chiến tranh mà phải lưu lạc vào đây . Người Việt thấy họ giao thiệp với người Mã lai , sang học Đạo ở Pattani thì lầm tưởng họ là người Mã lai rồi cứ gọi như vậy . Danh xưng Chà Và là do tiếng Java mà ra . Đồng bào Chăm coi đó là một danh xưng đầy khinh miệt , cũng như danh xưng An Nam mà người Hán gọi dân Việt vậy . Thời Vua Minh Mạng , những người Chăm theo Lê Văn Khôi chiếm Phan rang , Phan rí , Phan thiết chống lại triều đình ( 1833 ). Cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi thất bại , một cuộc thảm sát vô cùng man rợ giành cho người Chăm theo Lê Văn Khôi đã khiến họ phải bỏ xứ ra đi . Một số chạy sang Cambodge , một số sống lẩn lút theo đồng bào Thượng, số lớn chạy vào Nam . Phong trào khủng bố đó đã được Vua Thiệu Trị khoan hồng , xuống một sắc chỉ chiêu an năm 1841 , truy phong cho Vua Poklong Kahul . Tuy nhiên đa phần những người Chăm thời đó đã lưu lạc tới Kompong Chăm , Châu Đốc và Tây Ninh đã không quay trở lại . Chỉ có một nhóm nhỏ chạy vào rừng núi miền Trung theo người Thượng là lục tục trở về Bình thuận , Ninh thuận và sống tới ngày nay .
Chúng tôi vào Tháp làm lễ . Thày Chàm ngồi bệt tại cửa tháp , im lặng với ánh mắt đượm buồn. Thày Chàm kể cho tôi nghe một truyền thuyết mà Thày nghe kể lại : 
“Bấy giờ Vua Chăm (người chép chuyện không nói là Vua gì, và ở đời nào) có một người con gái tên là Mứ-gouth. Trong xứ Vua có một người con trai tên là Kakây, con của một người giàu kêu là Mú-sô-Palây. Kakây thấy Mứ-gouth thì ưng lắm mà không dám đi nói, vì mình là con dân mà nàng là con Vua. Song Kakây không nhịn được, bèn tìm cách mà bỏ ngải cho Mứ-gouth. Mứ-gouth bị ngải, cách năm sáu ngày thì trốn ra khỏi cung Vua mà theo Kakây. Vua biết con gái mình đã phải lòng Kakây, không tài nào gỡ ra cho được, bèn kêu Kakây đến mà gả Mứ-gouth cho.
Khi Kakây lấy được công chúa rồi thì ở lại triều giúp Vua về sự đánh giặc. Nguyên vì Kakây có tài bói, lúc nào có việc trận mạc thì y giở lịch chọn ngày xuất hành cho nên Vua đánh trận nào đều thắng trận nấy.
Vì thấy Kakây có tài như vậy, Vua sợ dễ y rồi sẽ cướp ngôi mình đi, nên có ý muốn giết Kakây. Kakây biết ý Vua thì than thở riêng với vợ mình. Công chúa đem lời tâu cùng Vua, thì Vua lại chối rằng không có bụng ấy. Vua thề trước mặt bá quan rằng nếu mình có ý giết Kakây thì trời sẽ làm cho mình mất ngôi đi.
Thế nhưng về sau Vua quả lập thế mà giết Kakây thật. Một hôm, Vua nhóm các quan tại sân chầu, rồi giàn năm con voi ra, bảo Kakây nhảy lên lưng voi cỡi cho Vua xem. Kakây vâng lời thì Vua ra khẩu hiệu cho voi rằng Mà inh tron pók, tức thì năm con voi xúm lại mà xé Kakây chết tươi.
Sau khi Kakây chết, Vua đi cưới Lê công chúa, là con gái của vua An Nam. Lê công chúa xinh đẹp lắm, Vua say mê vì nàng, không lo đến việc quốc chánh và binh cơ nữa. Vua ỷ rằng trong nước duy Kakây có tài, nay chết rồi, đã hết lo ; còn mặt ngoài thì Vua đã cưới con gái Vua An Nam, hai nước đã thông hôn với nhau thì cũng như một nước, từ rày sẽ hưởng cuộc hòa bình, không còn lo gì giặc giã nữa. Các quan tại triều cũng có đồng một ý kiến như Vua vậy.
Trước cung Vua, có một cây trai lớn và linh lắm, người ta nói rằng Vua Chăm cường thạnh là nhờ thần của cây trai đó. Lê công chúa bèn giả đò đau, mời năm thầy mười bà đến bói, bà đều biểu nói rằng tại cây trai đó có ma, nên bắt bà phải đau. Bà bèn xin Vua phải sức đốn cây trai ấy đi. Vua nghe lời, sai lính đốn cây trai. Lính giơ búa lên thì búa dính trên vai, không hạ xuống được. Vua nổi giận, tự cầm búa mà đốn lấy, vừa chặt ba búa thì cây trai ngả xuống và chảy máu ra như suối. Lê công chúa liền lành bịnh.
Lê công chúa gởi thơ cho cha mình là Vua An Nam, nói rằng cây trai ấy đã hạ rồi, thì Vua An Nam kéo binh vào đánh Vua Chàm. Vua Chàm sai rã cây trai ấy làm ván đóng thuyền để đi đánh giặc. Lạ cho cái thuyền ấy, không chèo không buồm mà cứ việc đi, vả lại đi theo ý Vua muốn, Vua chỉ đi đâu thì thuyền đi đó. Mấy trận đầu Vua An Nam phải thua luôn.
Về sau, Vua An Nam sai lính đến đóng cọc trong biển đó. Đến chừng đánh một trận nữa, thuyền Vua Chàm mắc lấy cọc không tới lui được, Vua giận, lấy búa bửa thuyền, thuyền chìm, Vua thoát thân lên bờ, khi lên bờ rồi, Vua còn đánh với quân An Nam mấy trận nữa, mà đều bị thua luôn, quan quân chạy một đường, còn Vua chạy một đường.
Vua Chăm chạy, mà Vua An Nam cứ đuổi theo. Sau, cùng đường, Vua Chăm sa xuống giếng, tức thì có những con nhện giăng tơ lấp đầy miệng giếng. Vua An Nam kéo binh đến đó, thấy không có đường chạy nữa, mà sai lính tìm khắp cũng không ra dấu tích Vua Chăm, toan rút quân về. Thình lình nghe con thằn lằn kêu tắc tắc trên miệng giếng, Vua An Nam sai lính kiếm một lần nữa cũng không thấy. Tính việc bỏ đi, lại nghe thằn lằn kêu tắc tắc, Vua bèn lấy gươm khều váng nhện trên miệng giếng thì thấy Vua Chăm hiện ra. Vua An Nam bèn sai chặt đầu Vua Chăm đem theo mình, còn cái thân thì bỏ lại đó. Vì sự tích đó, cho đến bây giờ, người Chăm vẫn coi con nhện là ơn và coi con thằn lằn là thù.
Khi vua Chăm bị chém, cái đầu lìa khỏi cái thân, thì cái đầu có dặn với cái thân rằng: hãy đợi đó bảy ngày thì đầu sẽ trở lại hiệp với thân. Mới được ba ngày, song cái thân ngỡ là bảy ngày, sao cái đầu không thấy trở lại, hoặc giả đi lạc rồi sao, bèn đứng dậy đi tìm cái đầu. Đi được một đỗi, gặp một lũ chăn trâu lêu lêu mà nói : coi bay cái người không đầu đi đâu đó kìa! Cái thân liền ngã xuống tại đó. Tới bảy ngày, cái đầu quả trở lại chỗ cũ, tìm cái thân không gặp, cũng rơi xuống nằm đó luôn.
Lúc đó, Vua An Nam bắt voi của Vua Chăm nhiều lắm, và vào cung Vua khuân cả vàng bạc chở về ngoài Bắc. Còn dân Chàm thì bị giết, lớp thì chạy lớp tan lạc hết.
Con trai của Vua Chăm là Bô Chơn và Bô Ti-cây thì chạy vào ở Tây Ninh, bấy giờ kêu là Rồn-đuôm-rây, xóm ở, kêu là Paóch-ruồm.
Bô Ti-cây có vợ tên là Nayposoth lịch sự lắm, nghe thấu tai Vua Xiêm La. Sau khi ở Tây Ninh được ba bốn năm, Vua Xiêm kéo binh đến đánh để bắt lấy nàng Nayposoth. Hai vợ chồng Bô Ti-cây cứ chạy chỗ nầy chỗ kia mà trốn. Vua Xiêm bắt không được cũng kéo quân về. Sau lại, nhân trong lúc Bô Ti-cây đi vắng, Nayposoth ở nhà mở hội cúng tế đương đờn hát vui chơi, thình lình Vua Xiêm kéo quân đến vây bắt nàng, chở lên voi đi qua sông Tầm-long, bây giờ kêu là Kampong Chamalông. Bô Ti-cây trở về thấy cơ sự như vậy, liền theo kịp lội qua sông, chém voi ngựa quân lính Xiêm chết nhiều lắm. Còn chừng bảy con voi nữa thì tới voi của Nayposoth cỡi, mà Bô Ti-cây đã mệt mỏi quá thể rồi, nàng thấy chồng mình như vậy, lấy làm tội nghiệp bèn bẻ nút áo vàng của mình đưa cho vua Xiêm bắn chết Bô Ti-cây. Vua Xiêm bèn đem Nayposoth về bên Xiêm.
Cái trận mà quân Xiêm qua bắt Nayposoth đó thì dân Chăm tổn hại nhiều lắm. Những con nít chạy qua cầu bị người lớn lấn té xuống sông chết không biết bao nhiêu, song quân Xiêm không hề giết ai.
Hòn núi ở Tây Ninh mà bây giờ kêu là núi Chơn Bà Đen cũng gốc từ trận ấy: Vì trong trận ấy, quân Xiêm thường nói với nhau rằng: "Phum chờn mê đen", nghĩa là: Xiêm theo kịp bắt được Nayposoth gần chơn núi.” ( putrachampa.blogspot.com).
Đêm đó , chúng tôi ngủ nhờ ở nhà một người bạn thày Chàm ở gần cửa số 2 chợ Long Hoa. Chợ Long Hoa có nhà lồng hình chữ thập trên một lô đất hình vuông, chung quanh có 8 cửa, hướng ra tám con đường, với ý nghĩa là: Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, biến Bát Quái. Từ trên phi cơ nhìn xuống khu chợ Long Hoa, chúng ta sẽ thấy giống như một cái Bát Quái Đồ. Theo tư tưởng của đạo Cao Đài thì các chơn hồn trước khi về cõi Thần tiên phải chung qua Lầu Bát Quái để trừ đi những oan trái và trược khí và dự Đại hội Long Hoa để xét xem công đức mà phong phẩm Thần tiên.Do số tín đồ Cao Đài từ khắp các tỉnh đổ dồn về vùng Thánh Địa Cao Đài lập nghiệp càng ngày càng đông, nên ngày 12 tháng 11 năm Nhâm Thìn (dl 28 tháng 12 năm 1952) Hộ pháp Phạm Công Tắc cho khởi công xây dựng chợ Long Hoa theo vị trí và bản vẽ của ông để tín đồ Cao Đài có nơi buôn bán làm ăn. Ý nghĩa danh từ Long Hoa là chỉ thời kỳ khai mở Hội Long Hoa, do Đức Di Lặc Vương làm Chủ khảo, là kỳ thi phán xét cuối cùng trong Kỳ Hạ Ngươn để tuyển phong Phật vị.  Các cửa chính chợ Long Hoa Tây Ninh gồm: Cửa Một phía Bắc chạy về hướng Tòa Thánh, cửa Ba phía Tây chạy về hướng chùa Gò Kén – sông Tây Ninh, cửa Năm phía Nam chạy về vùng Giang Tân hướng về Sài Gòn, cửa Bảy phía Đông chạy về Trí Huệ Cung. Tám cửa mang ý nghĩa Bát Quái Đồ Thiên.
 Lúc đi qua lầu Bát quái gần cửa số 2 Tòa Thánh , tôi thấy thày Chàm tự nhiên ứa nước mắt , ông cố giấu mà không nổi. Hình ảnh vùng đất đầy đau thương này có lẽ còn theo ông đi đến những ngày cuối đời . Tội bỗng nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên :
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ 
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương? 
Khi ta ở, chi là nơi đất ở 
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Đêm hôm đó, sau khi cơm nước xong , hai thày trò giăng hai cánh võng ở ngoài hiên nhà nằm tâm sự . Thày Chàm kể cho tôi nghe về xuất xứ của môn Võ Thần Thất sơn Thần quyền mà tôi sắp học .
Theo như Thày Chàm cho biết về nguồn gốc của võ phái này : Từ thuở mở đất tiến về phương Nam, do chống chọi với thiên nhiên, thú dữ và cướp phỉ, người Việt nơi đây đã sáng lập nhiều môn phái võ mang tính chiến đấu cao như Tân Khánh Bà Trà, Gò Công, Thất Sơn võ đạo….
Do ảnh hưởng phong trào kháng Pháp, nhiều chí sỹ khóc hận nước mất nhà tan đã lánh vào rừng sâu núi thẳm rèn binh chờ cơ hội cứu nước nên khắp miền Nam thuở trước, vùng nào cũng có một hệ phái ra đời. Ở vùng Thất Sơn đã có hàng chục hệ phái xuất hiện.
Năm 1859, Pháp bắt đầu đánh chiếm Nam kỳ Lục tỉnh (Nam bộ). Một giai đoạn bi thảm bắt đầu trên vùng đất mới khẩn hoang chưa lâu lắm. Triều đình nhà Nguyễn bất lực trước sự xâm lăng ngang ngược của thực dân Pháp đã lên tục nhượng bộ cắt đất, bất lực ngồi nhìn súng đạn thực dân thôn tính miền Nam, sau đó thôn tính và đặt ách đô hộ lên toàn nước Việt. Nhiều bậc trung quân ái quốc tức giận kháng mệnh triều đình. Nhiều chí sỹ tựu quân kháng chiến cứu nước.
Vùng Bảy Núi, tức Thất Sơn (hiện nay thuộc tỉnh An Giang) trở thành căn cứ địa của các lực lượng nghĩa quân Nam Bộ. Thật ra, Thất Sơn có đến 10 ngọn núi nhưng thời vua Tự Đức chỉ đặt tên cho 7 ngọn tượng trưng cho 7 linh huyệt gồm: Anh Vũ Sơn (Núi Két), Thiên Cẩm Sơn (Núi Cấm), Ngũ Hồ Sơn (Núi Dài), Liên Hoa Sơn (Núi Tượng), Thủy Đài Sơn (Núi Nước), Ngoạ Long Sơn (Núi Dài Văn Liên), Phụng Hoàng Sơn (Núi Tô). Theo cụ Hồ Biểu Chánh qua tác phẩm Thất sơn huyền bí  thì Thất sơn là các núi : Trà sư, núi Két ,núi Dài ,núi Tượng , núi Bà đội om , núi Tô và núi Cấm . Còn theo Đại nam nhất thống chí thì Thất sơn bao gồm : Núi Tượng , núi Tô , núi Ốc Nhâm , núi Nam Vi , núi Châm Biệt , núi Nhân Hòa.
Nhìn tổng quát thì các núi ở miền này bắt đầu từ núi Sam ăn mãi đến tận núi Vọng Thê , núi Sập và các hòn ở tận Hà Tiên . Nhưng về sự mật thiết của địa lý từng vùng thì Thất sơn chỉ bao gồm các núi nằm trọn vẹn trong hai quận Tri Tôn và Tịnh biên . Theo các cụ ngày xưa nói lại : vùng Thất sơn nằm trong gianh giới : “ Tiền tam giang – Hậu thất lĩnh. Vậy mới có câu :
“ Trước ba sông thêm rạng chí tang bồng ,
Sau bảy núi chẳng nao lòng anh kiệt “
Do địa điểm hiểm trở, dãy nối dãy, ngọn liền ngọn, rừng rậm hoang vu nên vùng núi này có nhiều loại thực vật, động vật cực kỳ bí hiểm. Cọp beo, rắn rết cùng những loại cây ăn thịt (dân gian gọi là ngải) đã khiến nhiều người bỏ mạng mất xác khi cố tình thâm nhập. Trước sức mạnh vũ khí hiện đại của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân chỉ có binh khí thô sơ và lòng quả cảm. Những người chỉ huy phải sử dụng đến “vũ khí tâm linh”. Võ phái Thất Sơn thần quyền ra đời từ đó. Để giữ bí mật nơi trú ẩn, nghĩa sỹ kháng chiến đã lợi dụng sự kỳ bí của tự nhiên, lợi dụng địa thế hoang vu hiểm trở của rừng rậm, núi cao thêu dệt nên những câu chuyện linh thiêng nhằm để tiếp thêm sức mạnh cho binh sỹ và uy hiếp kẻ thù. Tiêu biểu nhất trong các Đạo giáo ra đời trong thời kỳ này là Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật thày Tây An – Đoàn Minh Huyên. 
“Đoàn Minh Huyên (14 tháng 11 năm 1807 - 10 tháng 9 năm 1856), còn có tên là Đoàn Văn Huyên, đạo hiệu: Giác Linh, được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An. Ngoài vai trò là người sáng lập giáo phái (Bửu Sơn Kỳ Hương) bản địa đầu tiên ở An Giang , ông còn là một nhà yêu nước, nhà dinh điền đã có công khai hoang nhiều vùng đất ở Nam Bộ (Việt Nam).
Đoàn Minh Huyên là người ở vùng Cái Tàu Thượng, thuộc làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang; đến thời Pháp thuộc đổi thành làng Tòng Sơn và sau đó là làng Mỹ An Hưng thuộc tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).
Năm 1849, ở Nam Kỳ, xảy ra vụ mất mùa và đại dịch (kéo dài đến 1850), đã làm nhân dân lâm vào cảnh cùng cực, khổ đau và chết chóc. Trong hoàn cảnh ấy, ông Đoàn Minh Huyên từ Tòng Sơn vào Trà Bư (nay thuộc ấp An Thái, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), rồi đến vùng Kiến Thạnh (xưa thuộc làng Long Kiến; nay thuộc xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), cư ngụ ở Cốc ông đạo Kiến, trổ tài trị bệnh cho dân. Từ chỗ chữa trị bệnh có kết quả, ông dìu dắt được nhiều bệnh nhân và người thân của họ nghe theo những điều dạy khuyên của ông.
Thấy người tin theo ngày một đông, nên ngay năm ấy (1849), ông đã sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, với tôn chỉ và phương pháp hành đạo rất đơn giản.
Nghe ông chữa bệnh bằng nước cúng (nước lã), bông cúng,...đồng thời rao giảng đạo, quan tỉnh An Giang nghi ngờ ông là gian đạo sĩ, hoạt động chính trị nên bắt giam, nhưng xét không có bằng chứng phải thả tự do cho ông. Song ông buộc phải quy y theo đạo Phật (phái Lâm Tế) và tu tại chùa Tây An, dưới chân núi Sam (Châu Đốc). Từ đó, ông được người dân tin tưởng gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An.
Mặc dù bị chỉ định cư trú, song ông vẫn thường đi lại khắp miền sông Hậu, phổ biến giáo lý Tứ Ân, đồng thời vận động dân nghèo khai hoang, dần hình thành 4 trung tâm dinh điền lớn, đó là Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), Thới Sơn (Tịnh Biên), Láng Linh và Cái Dầu (đều thuộc Châu Phú)...
Phật Thầy Tây An viên tịch ngày 10 tháng 9 năm 1856, lúc 49 tuổi. Hiện mộ ông ở phía sau chùa Tây An (Châu Đốc), không đắp nấm theo lời căn dặn của ông. Ông có nhiều đệ tử giỏi, như Đức Cố Quản (Trần Văn Thành), Tăng Chủ (Bùi Đình Thân), Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến), Đạo Lập (Phạm Thái Chung), Đạo Thắng (Nguyễn Văn Thắng),v.v...
Theo truyền thuyết của giáo phái này, thì Bửu Sơn (núi báu) là Thất Sơn, mà linh thiêng nhất là núi Cấm. Kỳ hương tức là mùi hương lạ. Hội Long Hoa sau thời Mạt pháp sẽ được Phật Di-lặc thành lập ở đó để đón nhận những ai biết tu hiền.
Trước thực trạng nghèo đói và bệnh tật triền miên, nghe nói hội Long Hoa giống như cõi Tiên tại thế, mà việc hành đạo lại rất dễ, nên người tin theo ngày càng đông.
Người đến quy y sẽ được Đoàn Minh Huyên cấp cho một tấm "lòng phái" (mảnh giấy màu vàng có ghi bốn chữ "Bửu Sơn kỳ Hương" màu son), được truyền dạy giáo lý "học Phật- tu Nhân", tức là noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết "Tứ ân (ơn)", đó là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào nhân loại.
Về việc hành đạo, tuy lấy đạo Phật làm gốc, nhưng tín đồ đạo này không cần thờ tượng Phật (trên ngôi thờ Tam bảo chỉ cần thờ tấm trần điều màu đỏ), không cần phải ly gia cắt ái, không cần ăn chay, cạo râu tóc, gõ mõ tụng kinh,...và không cần phải dâng cúng những lễ vật tốn kém (bông hoa, nước lã là đủ). Trong những lời sấm truyền của Phật Thầy để lại cho đệ tử có câu: 
Chừng nào gốc mộc nên chồi ,
Ta vưng sắc lệnh tái hồi trần gian.
 Hay câu: 
Nay già đã hết già hóa trẻ,
 Nên giữa đông bổng lại có sông .
Và một đều Phật Thầy Tây An có ba ngấn cổ sau này Đức Huỳnh Phú Sổ ra đời cũng có ba ngấn cổ và Ngài viết ra quyển 2 sấm giảng nhắc lại bút tích Phật Thầy nên hầu hết tín đồ Bửu Sơn Kỳ hương hay Phật giáo Hòa Hảo đều nhìn nhận.
Nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có Sơn Nam cho rằng đây là lối tu theo thuyết "vô vi", tức là không chú trọng đến hình thức, không dụng tâm bày đặt ra cái này cái khác .
Sau này, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đạo Hòa Hảo chịu ảnh hưởng sâu sắc các yếu lý trên . Tại nơi trại ruộng làng Thới Sơn Phật Thầy có truyền lại một bài sấm ngữ:
Bửu Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên
Sơn Trung Sư Mạng Địa Nam Tiền
Kỳ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc
Hương Xuất Trình Sanh Tạo Nghiệp Yên.
Bửu Sơn Kỳ Hương
Ngọc Trung Niên Xuất
Quân Sư Trạng Trình
Minh Mạng Tái Sanh
Thiên Địa Tân Tạo
Việt Nam Phục Nghiệp
Nguyên Tiền Quốc Yên.
Phật Thầy Tây An là một nhà yêu nước ẩn dưới chiếc áo nhà tu. Ông vừa trị bệnh cứu người, vừa quy tụ nông dân nghèo khai hoang, vừa phổ biến "Tứ ân", mà trong đó "Ân đất nước" rất được chú trọng. Điểm đáng lưu ý nữa, đó là những "trại ruộng" mà ông lập ra chỉ là hình thức, thực chất đấy là căn cứ tập hợp nông dân chống lại chính sách cai trị hà khắc của nhà Nguyễn. Sau này, khi thực dân Pháp đến xâm lược, thì những nơi ấy trở thành những căn cứ chống ngoại xâm, nhiều tín đồ của ông trở thành nghĩa quân (để đền ơn đất nước), mà cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867 -1873) do Trần Văn Thành (đại đệ tử của Phật Thầy Tây An) phát động, là một minh chứng .” (https://vi.wikipedia.org).
Phật Thầy Tây An lập ra 4 trung tâm dinh điền lớn, đó là Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), Thới Sơn (Tịnh Biên), Láng Linh và Cái Dầu (đều thuộc Châu Phú)...Mỗi trung tâm là do một đại đệ tử phụ trách, hình thành những trại ruộng , quy tập nông dân khai hoang làm ruộng , hướng dẫn các tín đồ tu học và tập luyện võ thuật .
Tại Trà Bông , Cần Lố, Rạch Ông Bường ( Đồng Tháp mười ) được giao cho ông Đạo Ngoạn .
Ở Cái Dầu do ông Đạo Xuyến phụ trách .
Ở núi Két do ông Đình Tây phụ trách .
Ở Láng Linh do quản cơ Trần Văn Thành phụ trách .
Phật Thầy Tây An qua đời vào năm 1856. Mộ của Ông hiện còn tại chân núi Sam ( Châu Đốc )và tại Tòng Sơn ( nay là xã Mỹ An Hưng A, Huyện Lấp Vồ - Đồng Tháp ) , nơi phát tích Đạo Bửu Sơn Kỳ hương , nhân dân đã xây đền thờ tưởng niệm Ông .Trại ruộng Bửu Hương Các ở Láng Linh trở thành căn cứ chống Pháp : Láng Linh – Bảy Thưa do Trần Văn Thành , một đại đệ tử của Phật Thầy Tây An lãnh đạo .
Xin theo dõi tiếp bài 24. dienbatn.
      edit

0 nhận xét:

Đăng nhận xét