Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Published tháng 5 30, 2017 by ana03 with 0 comment

Đức Phật Đã Giác Ngộ Có Còn Bị Chi Phối Bởi Quy Luật Nhân Quả Không?

VẤN: Ngày rằm tháng tư, Phật tử mừng ngày Đức Phật Đản Sanh. Con thắc mắc nếu đã là một vị Phật giác ngộ tại sao lại có đản sanh và có niết bàn. Vậy Đức Phật làm chủ việc sanh tử ở đâu mà còn có sự sống và chết. Nếu đã là một bậc giác ngộ vậy Đức Phật có còn bị quy luật nhân quả chi phối không? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.



ĐÁP:

Phật là bậc giác ngộ giải thoát, làm giáo chủ cõi Ta bà, tức là Phật làm chủ được thế giới sanh tử của tự thân và tha nhân. Vì thế khi Đức Phật thị hiện vào đời độ sanh luôn có 3 thân, một là Pháp thân tức là thân bất sanh bất diệt, hai là thân trang nghiêm (báo thân), ba là ứng hóa thân, thị hiện vào thế giới loài người có mang thân quả báo.


Ba thân:

1/. Một là pháp thân: thân thể tính thật sự của Phật, đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ. Pháp thân là thể mà Phật và chúng sinh đều có chung. Pháp thân cũng chính là thân giáo pháp, là quy luật vận hành trong vũ trụ, là giáo pháp do đức Phật truyền dạy. Phật xuất hiện trên trái đất, với nhân trạng, với mục đích cứu độ con người. Pháp thân được xem chính là thân Phật pháp như Phật Thích Ca giảng dạy trong thời còn tại thế. Có chúng sanh, thì có pháp Phật vào đời, có pháp Phật vào đời thì có Phật thị hiện vào đời, thân thị hiện đó gọi là pháp thân.

Trong kinh Niết Bàn, phẩm Như Lai Thường Trụ, nói về pháp thân Phật ở một dạng khác, Phật dạy: “Như Lai là thường trụ, Như Lai không từ đâu đến đây mà cũng không đi về đâu cả, Như Lai không có sanh ra trong cung vua Tịnh Phạn, cũng không có nhập Niết Bàn nơi thành Câu Thi Na, dưới cây Sa La… mà Như Lai là thường trụ”.

Như Lai vì chúng sanh mà thị hiện vào đời có sanh ra trong cung vua Tịnh Phạn, có nhập Niết Bàn nơi thành Câu Thi Na, thân Như Lai là thân trí tuệ vượt ngoài tam giới, là thân bất sanh bất diệt.

2/. Hai là báo thân, cũng được gọi là thọ dụng thân, “thân của sự thụ hưởng công đức”: chỉ thân Phật xuất hiện trong các Tịnh độ. Báo thân là thân do thiện nghiệp và sự giác ngộ của các Bồ Tát mà hoá hiện cho thấy. Cũng vì vậy mà có lúc được gọi là thọ dụng thân, là thân hưởng thụ được qua những thiện nghiệp đã tạo. Báo thân thường mang ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của một vị Phật.

3/. Ba là ứng thân, cũng được gọi là ứng hoá thân hoặc là thân Phật hiện diện trên Trái Đất. Ứng thân do báo thân chiếu hiện, dựa trên lòng từ bi và có mục đích giáo hoá chúng sanh. Như thân người, Ứng thân chịu mọi đau khổ của già chết bệnh tật, nhưng Ứng thân có thần thông như thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông. Sau khi chết, Ứng thân tự tiêu diệt.

Kinh Trung bộ, số 4, Phật dạy: “…vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư thiên và loài người… mà Đức Phật thị hiện vào đời”. Vì vậy Đức Phật là bậc giải thoát sanh tử luân hồi, làm chủ được dòng đời, tự tại ra vào thế giới sanh tử luân hồi.

Phật mang thân ứng dụng có quả báo:

Tuy nhiên đứng về gốc độ Đức Phật lịch sử, có sanh thân ứng dụng vào đời, Đức Phật Thích ca vì chư Sa môn, vì chúng sanh trong thế giới Ta bà mà thị hiện mang thân tứ đại sanh ra trong cung vua: có cha là Tịnh Phạn Vương, mẹ là Hoàng hậu Ma Da, lớn lên có gia đình, đăng quang làm hoàng thái tử, đến khi giác ngộ, trốn gia đình xuất gia tầm đạo, thành đạo với danh hiệu là Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, có tha tâm thông biết việc quá khứ, có thiên nhãn thông thấy biết việc vị lai, đi hành đạo đến 80 tuổi nhập Niết Bàn.

Đấy là thân thị hiện trong thế giới sanh tử, nhưng giác ngộ và làm chủ được thế giới sanh tử luân hồi; không khổ đau oằn ọai như mọi người, làm chủ được môi trường, điều phục những người hung ác như Thiện Tinh Tỳ kheo trong Kinh Niết Bàn, Đề Bà Đạt Đa trong kinh Kinh Đại Bảo Tích để lại cho chúng ta thấy những vị nầy luôn luôn có tâm ý, hành động chống phá Đức Phật, làm hại Phật, hại thân Phật ra máu, hay một tướng cướp Ương Quật Ma La cầm gươm chém Phật nhưng Ngài vẫn điềm nhiên tọa thị, tha thứ những lỗi lầm của họ. Cuối đời Đức Phật vẫn thọ ký cho họ thành Phật, như Đề Bà Đạt Đa thành Phật là Thiên Quang Vương Như Lai

Chuyện nhân quả:

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 2, phẩm Đăng Kiến, nói: Tại kinh thành Ca Tỳ la vệ quá khứ, có một cái hồ lớn, nhân mùa nắng hạn, cá mắc cạn, dân trong thành thi nhau bắt cá để ăn, trong đó có con cá lớn đang chờ chết. Từ xa có một chú Bé độ 13 tuổi, ăn chay trường đứng xem người bắt cá, chú Bé nghịch lấy cây gỏ lên đầu cá lớn, nhưng không chết…

Thành Ca Tỳ La vệ ở hiện kiếp, Bồ tát Sĩ Đạt Ta sanh ra trong cung vua Tịnh Phạn, đi tu và thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Ngày nọ có vị Hoàng Thái tử Lưu Ly, nước Kiều Tát La, mới 8 tuổi, con của vua Ba Tư Nặc và Mạt Lợi Phu Nhân, thuộc bà con bên ngọai của Đức Thích Ca đến thăm nước Ca Tỳ La vệ; vì tuổi nhỏ chưa biết sự tôn kính Đức Phật, nên có nhảy lên kim cang tòa của Đức Phật ngồi, lính cận vệ của Nhà Vua bảo: “xin Hoàng thái tử không nên leo lên tòa ngồi của Phật vì Đức Phật là bậc tôn kính, xin ngài hãy leo xuống…” - Hoàng thái tử Lưu Ly tức giận tại sao mọi người không cho Ngài ngồi trên đó, Ngài nghĩ ta cũng xứng đáng ngồi trên đó chứ!

Đến khi khôn lớn, Hoàng Thái tử Lưu Ly, soán ngôi Vua cha lên ngôi báu gọi là Vua Lưu Ly, Nhà Vua nhớ lại lúc nhỏ đến quê ngọai Ca Tỳ La vệ bị làm nhục, nên cất binh đánh nước Ca Tỳ La vệ của Vua Tịnh Phạn, Vua Lưu Ly cho bắt hết dân trong thành thuộc dòng họ Thích đem giết, bỏ vào một hố lớn, có người vẫn còn sống nằm dưới hố rên rỉ! Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn nhìn thấy dòng họ Thích của Đức Phật bị nạn như thế, xin đi cứu hộ, can ngăn Vua Lưu Ly dừng tay giết dòng họ Thích của Đức Phật. Nhưng khi đi đến nơi mọi người đã chết, không cứu được.

Đức Phật dạy: Đó là quả báo của Ta và dòng họ Thích, ngươi bảo các người dòng họ Thích không nên đánh lại nước Kiều Tát La của Vua Lưu Ly!

Đức Phật dạy: Tiền thân Vua Lưu Ly là “cá lớn lúc đang mắc cạn, bị ta gỏ lên đầu 3 lần”, lính của Vua Lưu Ly là số “cá bị mắc cạn”, dân trong thành bắt cá ăn lúc bấy giờ, nay là dân dòng họ Thích, chú Bé 13 tuổi nay là Ta: Thích Ca Mâu Ni, do Ta có gỏ lên đầu “cá lớn” ngày trước, nên lúc Vua Lưu Ly đánh giết dòng họ Thích, Ta bị nhức đầu…

Trong bản kinh tạng Trung Bộ, bản dịch Hòa Thượng Thích Minh Châu, Phật dạy: “Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp... Ta nhớ rằng: Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây... Như vậy Ta sẽ nhớ đến những đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết”.

Đức Phật thị hiện trong cuộc đời, tại đất Ấn Độ cổ là để giải thoát những khổ đau oằn ọai của chúng sanh, xóa tan những giai cấp bốc lột lẫn nhau, hận thù chém giết lẫn nhau của con người… đây là nguyên nhân chủ yếu Phật độ đời, thị hiện vào đời, chấp nhận cuộc sống có tử sanh, sanh tử theo quy luật nhân quả thời gian.

HT Thích Giác Quang
      edit

0 nhận xét:

Đăng nhận xét